Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Ðối Phó Với Hậu Quả của Chấn Thương

Khi gặp một căng thẳng bình thường của cuộc sống, ta vẫn có thể kể khó khăn đó với người khác và sau khi giải quyết, hết căng thẳng, tâm trạng ta sẽ trở lại bình thường.
Còn hậu quả của chấn thương tâm thần thường kéo dài lâu hơn, cả mấy năm, đôi khi suốt đời người.
Nhiều khi, ngay sau khi biến cố sảy ra, ta không nhận thấy ảnh hưởng của nó. Rồi cả chục năm về sau, ta mới bắt đầu cảm thấy rối loạn trong suy nghĩ, ác mộng khi ngủ cũng như các dấu hiệu khác mà ta không biết tại sao.

Tại sao mỗi người có phản ứng khác nhau với chấn thương tâm thần?

Chưa có giải thích thỏa đáng cho câu hỏi này, nhưng phản ứng với chấn thương tùy thuộc ở một số yếu tố như sau:
-sự trầm trọng của biến cố
-cá tính của mỗi người
-ý nghĩa của biến cố đối với mỗi người
-khả năng đối phó của mỗi người
-sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, chuyên viên y tế…

Nguyên nhân gây chấn thương

Các kinh nghiệm gây ra rối loạn tinh thần có thể là:
-Lạm dụng tình dục
-Lạm dụng thể xác và tinh thần
-Hậu quả của chiến tranh, thương tích, chiến trận, bắt bớ tù đầy, hành hạ…
-Nghiện rượu ở chính mình và người trong gia đình
– Ðau ốm, bệnh tật, giải phẫu.
-Thân nhân bị bệnh trầm trọng.
-Tử vong của thân nhân hoặc bạn bè.
-Thiên tại, bão lụt, động đất, hỏa hoạn.
-Tai nạn giao thông…

Dấu hiệu của chấn thương

Dấu hiệu của chấn thương có thể xuất hiện ngay sau biến cố hoặc trễ hơn, có khi cả nhiều năm sau.
Dấu hiệu thường kéo dài từ vài tuần lễ đến suốt đời.
Mỗi người có phản ứng khác nhau với chấn động và mỗi người có cách đối phó riêng.
Các dấu hiệu thường thấy là:
-Lo âu, bồn chồn, nôn nóng,
-Giận dữ, mất bình tĩnh, hay cau có
-Mất ngủ
-Ăn uống thất thường
-Hồi tưởng biến cố đau thương
-Cảm thấy bị tách rời, cô lập với thế giới xung quanh, không ai ưa thích
-Trở nên thụ động, buồn rầu, bất an, sợ hãi vô cớ
-Nghi ngờ mọi người, không tin tưởng ai
-Lơ đãng, làm đi làm lại cùng một việc
-Hành động kỳ quặc, nguy hiểm
-Có ý muốn tự gây thương tích cho cơ thể
-Lạm dụng rượu, thuốc cấm…

Ðối phó với chấn thương tinh thần

Tác động của chấn thương gây ra xáo trộn cho sức khỏe tinh thần và thể chất trong nhiều năm, có khi suốt đời người.
Chắc chắn là không ai muốn sống như vậy và đều muốn vươn ra, tìm kiếm giúp đỡ, điều trị. Ðây là một quyết định hợp lý, rất hay. Có nhiều chương trình, tổ chức cá nhân sẵn sàng hỗ trợ mình.
Nhưng:
1- Bệnh nhân vẫn là người chủ động, chịu trách nhiệm về sự hồi phục của mình.
2- Người bệnh cần được mọi người lắng nghe, tin tưởng và thấu hiểu hậu quả những khó khăn mà họ đã trải qua.
3- Chấn thương thường làm cho người bệnh xa lánh mọi người. Họ cần kết nối lại các giao hảo đã có với bạn bè, thân thuộc.
4- Bệnh nhân cần nuôi dưỡng hy vọng rằng mình sẽ hồi phục, sẽ vượt qua hậu quả của khó khăn, với sự giúp đỡ của mọi người và của chính mình.
5- Với những góp ý, giúp đỡ của mọi người, mình nên suy nghĩ, cân nhắc trước khi hành động, vì mình là người chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình.
6- Hãy kể lại chuyện khó khăn của mình với một vài người. Mở bầu tâm sự như vậy giúp ta rất nhiều trong việc hàn gắn vết thương lòng. Nhưng chỉ nên thổ lộ với người mà ta biết là sẽ thông cảm hoàn cảnh của mình, không có ác ý với mình.
Chẳng nên tâm sự với người góp ý như: “Thôi quên chuyện đó đi, nhớ làm gì!”, ” Có thế thôi à?!”, “Tôi còn cực khổ gấp mười”!!…Họ không hiểu kinh nghiệm khó khăn của mình.
7- Cũng không nên chỉ kể lể khó khăn mà phải nghe người khác nói, chia sẻ các kinh nghiệm tốt đẹp trong đời sống.
8- Tạo ra mối tương quan tốt với người khác, với người mà mình tin tưởng, gần gũi. Tin tưởng ở người khác cũng có vai trò quan trong trong hồi phục chấn thương.
Hãy mời người đó cùng với mình làm một công việc hoặc một trò chơi tiêu khiển, vận động cơ thể…để gần gũi, hỗ trợ, chung vui với nhau.
Duy trì tình thân này, đồng thời tạo thêm quan hệ tốt với người khác, để có nhiều người cùng hoàn cảnh tương trợ lẫn nhau.

Ðiều cần làm mỗi ngày để cảm thấy vui hơn

Trong nếp sống hàng ngày, có nhiều chuyện “không đâu” xẩy ra khiến ta cảm thấy không thoải mái, bực mình, lo sợ. Chắc chắn là mình muốn làm một việc tích cực nào đó để khỏi bị quấy rầy, và không rơi vào con đường rượu chè, phạm pháp, tự hủy hoại thân thể.
Sau đây là một số điều mà mọi người có thể làm để cảm thấy yên vui hơn.

1-Xin hãy đọc qua tất cả các điều sau đây, lựa chọn những điều mà mình thấy hấp dẫn, có thể giúp ta vượt qua khó khăn. Viết các đìều đó vào một tờ giấy, dán lên tủ lạnh, trước cửa ra vào để nhắc nhở. và thực hiện ngay khi cảm thấy khó chịu.

2-Hãy làm việc nào mà mình cảm thấy thích thú như đọc sách, vẽ, chơi ô chữ, làm thủ công nghệ, trồng hoa, viết văn, làm thơ, chụp hình, đi câu…

3-Vận động cơ thể, đi bộ, bơi lội, đạp xe đạp…Tất cả đều làm tinh thần thoải mái, sức khỏe rồi rào hơn.

4-Tham gia các sinh hoạt tâm linh, tôn giáo, tĩnh lặng tâm hồn.

5-Tạo thói quen làm vài công việc thường lệ mỗi ngày, vào thời điểm đã định trước. Chẳng hạn tới giờ nào đó thì đi bộ, giờ đó đi tắm, điện thoại cho con cháu, coi phim bộ…
Thói quen tốt giúp kiểm soát được thời gian trong ngày của mình.

6-Mặc một chiếc áo mầu mà mình thích, đeo đôi bông tai kỷ niệm xa xưa…để tạo niềm vui cá nhân.

7-Làm những công việc lặt vặt trong nhà như lau bàn ghế, giặt quần áo trong máy giặt, quét nhà….để khỏi có thời gian nhàm chán, “không biết làm gì”, rồi chỉ đi ra đi vào.

8-Học một vài kiến thức mới về các lãnh vực liên quan tới đời sống, như ăn uống sao cho hợp lý, làm sao phòng tránh viêm xương khớp, cao huyết áp, học cách sử dụng máy vi tính, giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng ngừa bệnh tật…

9-Tìm hiểu sự thật trước khi hành động theo phản ứng tự nhiên cũng giúp mình tránh phiền muộn vì hiểu nhầm, ngô nhận.
Chẳng hạn thấy con đi học về trễ, đừng vội la mắng, cho rằng cháu la cà với bè bạn. Thực ra xe của cháu có thể bị bể bánh dọc đường phải thay hoặc cản trở lưu thông, hoặc có khi cháu ở lại trường học thêm với giáo sư với bạn bè…

10-Sống với hiện tại, tận hưởng thời gian, lạc thú mà thiên nhiên dành cho.
Có nhiều người không thực tế, ngồi đó để nuối tiếc quá khứ huy hoàng hoặc mơ mộng một tương lai giầu có…mà quên mất những điều hay điều vui hiện đang có.

11-Lâu lâu dành chút thời giờ để thưởng thức vẻ đẹp của một bông hoa, nhìn tấm hình đám cưới của vợ chồng hơn ba chục năm về trước, ngắm ngôi sao lấp lánh trên bầu trời, hít không khí trong mát của đêm khuya..ta sẽ thấy thoải mái, dễ chịu hơn.

12-Vui chơi với con cháu nội ngoại, vỗ về một con chó trung thành …cũng làm vợi đi nỗi ưu tư, căng thẳng của mình.

13-Tập luyện vài phương pháp cử động nhịp nhàng để gân cốt thư giãn, tập trung thiền định để tinh thần lắng dịu, bình an…
14-Nghe âm nhạc dịu nhẹ để thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ, nhạc hùng mạnh để nâng cao tinh thần.

15-Ca hát tự do cho không khí trong lành vào phổi, cho âm thanh thoát ra khỏi cửa miệng cũng giúp giải khuây, đỡ buồn. Hát khi đi tắm. Hát khi quét nhà. Hát khi nấu cơm…
Mọi người vẫn thường nói: “hát hay không bằng hay hát mà”. Ðâu có cần hát giỏi, hát hay mà chỉ cần thấy trong lòng thoải mái là vui rồi.

16-Tắm nước ấm giúp thư giãn và hàn gắn căng thẳng tinh thần. Nếu được nằm trong bồn tắm có nước ấm xịt quanh mình, thì lại tốt hơn nữa.

17-Thưởng thức mùi thơm của những bông hoa hồng, của chiếc bánh mì nóng hổi mới làm cũng làm mình vui vui, sảng khoái

Hành Trình đi tới bình phục
Xin hãy bắt đầu con đường đi tới bình phục sau chấn thương bằng cách tự hỏi mình muốn đời sống sẽ như thế nào. Ghi những điều đó trên một tờ giấy hoặc nói cho một người bạn tâm giao biết.

Ðể bình phục, nên hoàn tất một số trong những gợi ý sau đây:
1-Hãy quý trọng cái thân thể với các chức năng, cấu tạo tuyệt hảo của mình.

2-Hãy đặt một giới hạn mà ta cảm thấy là đúng và an toàn trong mọi quan hệ.
Hãy trả lời “KHÔNG” cho bất cứ điểu gì mình không muốn. Một người bạn quấy rầy mình bằng cách điện thoại nhiều lần trong ngày, hảy thẳng thắn nói cho họ hay là mình không muốn như vậy

3-Hãy tranh đấu cho quyền hạn của mình và tận lực làm việc để đạt được mình muốn và cần.
Chẳng hạn, nếu muốn học thêm một nghề mới lạ, hãy tìm hiểu về nghề đó qua sách báo, bạn bè. Muốn biết bệnh tình của mình ra sao thì nghiêm nghị yêu cầu bác sĩ giải thích rõ ràng hoặc gửi mình sang một bác sĩ chuyên môn khác.

3-Hãy tạo lòng tự trọng, vì mỗi người là một sinh vật đặc biệt, toàn hảo và đều đáng được hưởng những điều tốt lành mà tạo hóa dành cho.

4-Hãy làm một danh sách ghi rõ những điều mà mình muốn làm để cảm thấy thoải mái hơn. Hãy làm những điều đó mỗi ngày, nhất là khi nào cảm thấy buồn rầu, khó chịu.

5-Mỗi gia đình có một lối sống, một cách suy nghĩ riêng.
Những điều mà mình học được khi còn bé có thể ảnh hưởng, gây trở ngại cho nếp sống hiện tại, thì mình nên thay đổi. Chẳng hạn, ta học được thói quen là không kể chuyện riêng tư cho ai. Nhưng khi có khó khăn, cần giúp đỡ giải quyết, thì ta cũng cần tâm sự với người mà ta tin cậy.

6-Hãy tạo ra mối hài hòa với mọi người trong gia đình. Hãy vui chơi với họ, nghe tâm sự của họ mà không phê bình, chỉ trích…

7-Hãy tìm hiểu cách đối thoại với mọi người để họ thông cảm với mình. Hãy xin bạn bè cho biết mình nên diễn tả, hành động như thế nào để tăng sự hiểu biết lẫn nhau.

8-Mỗi người có thể có nhiều ý tưởng tiêu cực về mình và về nếp sống của mình. Xin hãy tìm cách chuyển đổi những tiêu cực đó thành tích cực hơn.
Chẳng hạn, mình cứ ám ảnh với ý nghĩ “chẳng ai ưa mình” thì chuyển ý nghĩ sang “tôi vẫn có nhiều bạn bè”. Rồi mạnh dạn tạo thêm tình bạn mới.

9-Hãy phác họa một kế hoạch hành động phòng tránh và phục hồi để giúp ta sống bình an và để đối phó với những căng thẳng của đời sống.
Như là:
a-Nhắc nhở điều gì cần làm mỗi ngày, chẳng hạn ăn ba bữa cơm chính với đầy đủ các chất dinh dưỡng, vận động đều đặn 30 phút, ngủ 8 giờ mỗi đêm…

b-Những hoản cảnh gây ra khó chịu cho mình và cách thức hóa giải, ngăn ngừa chuyện đó. Chẳng hạn cãi cọ bất hòa với con cái, bạn bè thì mình nên ôn tồn, thân thiện với họ…

c-Những dấu hiệu cho biết tình trạng sẽ trở nên trầm trọng hơn như là mệt mỏi, mất ăn mất ngủ, hay quên, rất buồn rầu, lo sợ, không muốn ra khỏi nhà…
Xin ghi rõ điều gì cần làm để cảm thấy khá hơn như là cho bác sĩ hay để thay đổi thuốc, nói chuyện với tư vấn tâm thần…

d-Các thông tin mà thân nhân bạn bè cần biết khi mình không tự chăm sóc hoặc ở trong hoàn cảnh không an toàn.
Các dữ kiện này có thể là tên bác sĩ đang điều trị cho mình, tên người tư vấn tâm thần, dược sĩ, tên các loại thuốc đang dùng, các phương thức thường giúp mình cảm thấy an toàn, khỏe mạnh hoặc làm cho bệnh trầm trọng hơn.

Trên đường hồi phục sau chấn thương, nếu xuất hiện những sự việc có thể gây khó khăn, ta cần sáng suốt đối phó. Chẳng hạn sử dụng quá lố rượu thuốc đưa tời xáo trộn gia cang, gây gổ với lối xóm làm mất an ninh xã hội… thì phải hành động hợp lý hơn bằng cách bỏ thói quen xấu và tạo ra thói quen tốt.
Ta cần kiên nhẫn và can đảm để đi hết con đường phục hồi. Xin đừng nản chí, rút lui.
Và nên nhớ rằng, có nhiều người cũng gặp những khó khăn, chấn thương như mình, kể cả các vị anh hùng, danh nhân thế giới.
Họ cũng phải phấn đấu như mình và họ cũng thành công.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức
(Phỏng theo tài liệu của SAMHSA/ Bộ Y Tế Xã Hội Hoa Kỳ)

Comments are closed