Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Ung Thư Nhũ Hoa

Nhũ hoa quý bà được cấu tạo phù hợp chức năng sinh sữa nuôi con. Vú có khoảng 20 thùy tuyến sữa, mỗi tuyến có ống riêng mở ra ngoài núm vú. Vú không có bắp thịt mà có tế bào mỡ, mô liên kết, mạch máu, dây thần kinh và hệ thống bạch huyết. Vú đàn ông không có thùy sữa. Nhũ hoa lớn hay nhỏ là tùy theo nhiều ít tế bào mỡ. Mà càng lớn con càng có phận nhờ, vì kinh nghiệm các cụ cho hay “nhớn vú bụ con”. Ung thư xẩy ra ở tuyến thùy và ống dẫn sữa. Mấy sợi dây chằng cột vú vào lồng ngực. Dây chằng mà xệ giãn thì vú cũng xệ theo. Núm và quầng vú là phần gợi tình với nhiều sợi thần kinh cảm giác kích thích. Mô bào của vú chịu ảnh hưởng của kích thích tố nữ tiết ra từ noãn sào và vài bộ phận khác. Các kích thích tố này thay đổi kích thước, hình dáng của vú từ lúc mới sanh tới tuổi dậy thì, trưởng thành có kinh có thai rồi khi đáo tuổi về già.

Nếu vẻ đẹp của đôi gò Bồng đảo đã là đề tài lý thú, hấp dẫn của văn thi sĩ, giới thẩm mỹ thì rủi ro bệnh tật của vú cũng làm bận tâm các nhà y khoa học và người chẳng may vướng phải rủi ro. Vì vú cũng chỉ là một tập hợp những mô bào, có sinh có tử, có đau yếu lành mạnh như trăm ngàn loại mô bào khác trong cơ thể.

Ung Thư Vú là một trong những rủi ro đó.

Ngoài ung thu da, ung thư vú là niềm lo ngại nhất của phụ nữ khắp nơi. Càng lo ngại càng nên nhớ rằng nếu quý tỷ muội tìm ra ung thư sớm thì điều trị cũng hiệu quả hơn và ta có nhiều hy vọng kéo dài cuộc sống bình an.

Tại Hoa Kỳ, ung thư Vú đứng thứ nhì trong số các ung thư thường thấy và cũng là nguyên nhân tử vong thứ nhì vì ung thư ở nữ giới. Theo Hội Ung Thư Hoa Kỳ, trong năm 2005 sẽ có 211,240 phụ nữ được chẩn đoán bị ung thư vú và số tử vong sẽ là 40,410 trường hợp.Với phụ nữ người Mỹ gốc Á châu, ung thư vú đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư. Bên Việt Nam, ung thư nhũ hoa có nhiều thứ nhì sau ung thư cổ tử cung; Sài Gòn nhiều ung thư hơn Hà Nội 2000/1521 trường hợp.

Từ 20 năm qua, tháng 10 mỗi năm đã được Hoa Kỳ chọn là Tháng Quốc Gia Quan Tâm tới Ung Thư Vú. Trong tháng, các cơ quan y tế công tư đều phát động chiến dịch hướng dẫn phụ nữ sớm phát hiện, xác định rồi điều trị nan bệnh này. Ðể tìm ra bệnh, phụ nữ trên 40 tuổi nên chụp X quang nhũ hoa mỗi năm vì đây là phương thức tốt nhất để tìm ra bệnh ở giai đoạn phôi thai. Thứ Sáu tuần lễ thứ ba của tháng Mười là ngày Quốc Gia Chụp X Quang vú. Năm nay trùng vào ngày thứ Sáu 21 tháng 10. Một số phòng quang tuyến sẽ giảm hoặc miễn lệ phí chụp nhũ hoa trong ngày này. Muốn biết địa chỉ các cơ sở tham gia, xin liên lạc với a) Hội Ung Thư Hoa Kỳ 1-800-ACS.2345; b)Tổ Chức Ung Thư Vú Susan G Komen 1-800-IM-AWARE.

Sau đây là một số kiến thức căn bản về bệnh Ung Thư Nhũ Hoa.

1-Có phải ung thư nhũ hoa là loại ung thư thường thấy nhất ở phụ nữ?

Thưa đúng vậy. Theo thống kê, ung thư nhũ hoa là một trong những ung thư thường thấy nhất ở nữ giới và là ung thư gây tử vong hạng nhì sau ung thư phổi.

2-Như vậy thì đàn ông có bị ung thư vú không?

Ung thư vú ở đàn ông rất hiếm nhưng vẫn xẩy ra với tỷ lệ 1%. Bên Mỹ, có khoảng 1450 trường hợp ung thư vú mới được khám phá mỗi năm ở người nam và khoảng 450 người sẽ thiệt mạng.

3-Xin cho biết những rủi ro đưa đến ung thư vú?

Mặc dù khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nhưng một số yếu tố đã được nêu ra. Ðó là:

a-Tuổi tác- Tuổi càng cao thì ung thư càng dễ xẩy ra. Ung thư ở phụ nữ dưới 35 tuổi ít hơn ở tuổi từ 60 trở lên. Thống kê cho hay 82% các trường hợp xẩy ra ở phụ nữ trên 60.

b-Y sử cá nhân- Nếu đã có ung thư một bên vú hoặc bệnh về vú thì vú bên kia cũng dễ bị ung thư;

c-Y sử gia đình- Nguy cơ tăng gấp đôi, nhất là trước khi mãn kinh, nếu mẹ, chị em gái, con gái hoặc thân nhân gần gũi bị ung thư vú;

d-Ðột biến gene trong tế bào vú gây nguy cơ ung thư cơ quan này.

4-Các nguy cơ khác là gì?

a-Vai trò kích thích tố nữ- Estrogen kích thích sự tăng trưởng và phân chia tế bào, nên estrogen càng nhiều thì rủi ro ung thư càng cao. Vì thế có kinh nguyệt trước tuổi 12, chưa bao giờ có con hoặc có con sau tuổi 30, mãn kinh sau tuổi 50, dùng kích thích tố thay thế, thuốc viên ngừa thai trong nhiều năm đều tăng nguy cơ ung thư. Lý do là trong những trường hợp này, cơ thể tiếp xúc với kích thích tố nữ estrogen trong thời gian lâu hơn.

b- Đã điều trị các ung thư khác bằng phóng xạ;

c-Mập phì sau tuổi mãn kinh tăng rủi ro trong khi đó mập ở tuổi trung niên dường như giảm rủi ro ung thư vú

d-Tiêu thụ rượu tăng sản xuất estrogen do đó hơi tăng nguy cơ ung thư vú;

e-Dịch tễ học cho thấy thực phẩm có nhiều chất béo, tiếp xúc với hóa chất diệt sâu bọ, tăng rủi ro ung thư vú;

g-Nghiên cứu mới đây cho hay ít vận động cơ thể ở tuổi thiếu niên cũng là một rủi ro.

5-Vậy bây giờ phải làm gì để giảm thiểu các nguy cơ vừa kể?

Chúng ta không thay đổi được các rủi ro do di truyền hoặc gia đình, tuổi tác nhưng ta có thể thay đổi được nếp sống để giảm nguy cơ ung thư vú. Như là:

a-Ngưng thuốc lá;

b-Vận động cơ thể nhiều lần mỗi tuần;

c-Không uống rượu quá 2 drinks mỗi ngày;

d-Giới hạn thịt đỏ, giảm mỡ động vật dưới 30% vì chúng có thể chứa nhiều kích thích tố và thuốc trừ sâu bọ; ăn nhiều rau trái cây có chất xơ

e-Giảm ký nếu quá mập nhất là sau thời kỳ mãn kinh.

g-Nếu định có con, nên có con sớm và cho con bú sữa mẹ trong nhiều tháng;

h-Tự khám nhũ hoa hàng tháng; chụp nhũ ảnh hàng năm nếu trên 40 tuổi;

i-Nếu có thân nhân gần bị ung thư vú thì nên khám tổng quát thường xuyên hơn và hỏi ý kiến bác sĩ chuyên môn về thử nghiệm gene di truyền

6-Xin kể các triệu chứng bệnh.

Ung thư vú có thể có một số dấu hiệu như: thay đổi cấu trúc vú với u cục cứng không đau, sưng, da dầy lên, núm vú lẹm vào, nhăn nhúm, có vẩy, lở loét, đau hoặc chẩy nước.

Chụp quang tuyến vú sẽ thấy hình dạng của vú không đều, có nhiều bóng mờ. Bác sĩ khám ngực thì thấy có u cục, hạch nổi lên ở nách, cổ vì ung thư lan ra.

7- Mammogram là gì và công dụng ra sao?

Mammogram là chụp quang tuyến X vú để tìm ra những thay đổi trong cấu trúc của nhũ hoa mà khám tay không thấy được. Chụp quang tuyến Vú giúp ích khá nhiều vì có thể phát hiện sớm khoảng 80-90% ung thư với u nhỏ dưới 0.5 phân.

8-Khi nào thì phụ nữ phải chụp QTV?

Hội Ung Thư Hoa Kỳ khuyên phụ nữ trên 40 tuổi, không có triệu chứng như không cục nhũ hoa, không tiết dịch núm vú, vẫn khỏe mạnh đều cần chụp nhũ ảnh X quang mỗi năm một lần. Nghiên cứu cho hay chụp QTV giảm tử vong ung thư vú từ 20 tới 30% so với không chụp. Chụp quang tuyến vú không gây ra ung thư bởi vì lượng phóng xạ dùng rất ít, hầu như không có nguy cơ độc hại. Quý vị có Medicare đều được chính phủ trả mọi phí tổn chụp QTV một lần mỗi 12 tháng. Bác sĩ sẽ cấp giấy giới thiệu để đi chụp QTV.

9-Chúng tôi có phải sửa soạn gì trước khi chụp QTV không?

Không nên làm QTV một tuần trước khi có kinh; không nên thoa phấn, kem trên da để hình X quang khỏi bị lu mờ.

10-Chụp QTV được thực hiện ra sao?

– Phương thức này rất giản dị. Chuyên viên yêu cầu quý tỷ muội áp nhũ hoa vào giữa hai tấm chắn của máy quang tuyến để hình được rõ ràng. Quý vĩ sẽ cảm thấy hơi khó chịu một chút nhưng thời gian chup không quá một phút là xong.

Khi chụp QTV mà có dấu hiệu bất thường thì phải làm gì?

Bác sĩ có thể làm siêu âm, chụp cắt lớp, sinh thiết tế bào vú để xác định bệnh.

11- Thế còn tự khám vú thì sao?

Các chuyên nhà chuyên môn về ung thư đều khuyên quý bà nên tự khám nhũ hoa đều đặn để phát hiện bất thường trên vú. Theo thống kê, 75% trường hợp ung thư vú được quý bà tự tìm ra, vì họ hiểu rõ tường tận về cơ quan này hơn ai khác. Họ dễ dàng phát hiện những thay đổi trên cặp nhũ hoa của họ: một vài cục nhỏ, một thay đổi méo mó của vú, một nhăn nheo của làn da hoặc tiết dịch từ núm vú. Ðây là phương thức mà mọi người có thể làm được, vừa không tốn tiền, sẵn sàng có và chỉ mất có dăm phút mỗi tháng. Tự khám nhũ hoa mỗi tháng là điều nên làm để phát hiện các cục nhỏ nằm trong vú.

Chọn một ngày nhất định nào đó trong tháng để tự khám. Nếu còn kinh nguyệt thì vài ngày sau khi hết thấy kinh, vì nhũ hoa lúc này sẽ không căng phồng. Nếu đã vào thời kỳ mãn kinh thì ngày nào khám cũng được, nhưng nên làm cùng ngày mỗi tháng đễ khỏi quên.

Dụng cụ khám rất giản dị: đôi mắt ngọc ngà, hai bàn tay vàng của mình và một tấm gương trong sáng.

Trước hết, ta đứng ngay thẳng trước gương với nụ cười hiền hòa thư dãn, hai tay buông thõng thoải mái. Quan sát nhũ hoa coi có gì bất thường. Chẳng hạn da nhăn co, méo mó, sưng đỏ; núm vú lẹm vô, rỉ chất lỏng.

Rồi quan sát nhũ hoa khi chống hai tay lên hông, úp hai bàn tay sau đầu.

Tiếp theo là thoa nắn. Để động tác này dễ dàng, ta nên tắm qua với một chút xà bông cho da chơn mềm.

Đặt bàn tay phải sau gáy, sờ nắn nhũ hoa phải với bàn tay trái. Hãy tưởng tượng nhũ hoa là mặt chiếc đồng hồ. Với đầu ngón tay khép chặt, bàn tay úp đặt trên vú ở 12 giờ, đưa các ngón tay từ từ xuống một giờ, hai giờ, sáu giờ rồi lần lần trở lại 12 giờ. Sờ nắn coi có u cục cứng nhỏ không đau phục kích đâu đó trong nhũ hoa.

Rồi chuyển hai ngón chỏ và cái ngón tay vào núm vú, nhắc lại động tác trên để sờ nắm núm, coi rắn mềm, co rút ra sao, có chẩy nước hoặc máu hay không.

Sau hết là chuyển các ngón tay ra xa hơn, tới nách để khám vì nơi đây cũng có tế bào vú.

Nhắc lại cùng động tác với vú bên trái.

Để hoàn tất, ta nằm ngửa ngay thẳng, rồi khám từng bên vú và núm vú. Muốn dễ dàng cho việc khám, lót cái gối nhỏ dưới vai, và bàn tay dưới đầu, mỗi khi khám vú trái hoặc vú phải.

Thế là hoàn tất việc tìm kiếm những bất thường của cặp nhũ hoa thân yêu.

Nếu cặp nhũ hoa bình thường như tháng trước thì ta yên tâm, khoe với chồng rồi ăn mừng. Nếu thấy vài cục nho nhỏ đâu đó thì cho thầy thuốc hay ngay. Các cục này thường xuất hiện nhiều hơn ở góc trên phía ngoài của vú. Cũng may là 75% các cục này lành tính, điều trị dễ dàng.

Ðồng thời cũng nên xin chuyên viên y tế khám nhũ hoa mình hàng năm. Vì với chuyên môn kinh nghiệm, bàn tay của họ đôi khi cũng điêu luyện hơn mình trong việc tìm kiếm u cục bất thường.

13- Khi đã xác định ung thư thì việc điều trị ra sao?

Có nhiều phương thức điều trị như xạ trị, hóa trị, miễn nhiễm, giai phẫu hoặc phối hợp các phương pháp kể trên

Đa số trường hợp ung thư vú đều được chữa bằng giải phẫu. Tùy theo giai đoạn ung thư, có di căn không, mà người bệnh được chữa thêm bằng hóa chất, phóng xạ, kích thích tố…Phóng xạ hóa chất có thể gây ra một số tác dụng phụ không muốn mà đa số bệnh nhân rất lo ngại.

Giải phẫu có thể là mổ lấy cục ung thư với một số tế bào lân cận rồi được chữa thêm bằng phóng xạ; hoặc cắt một phần vú rồi phóng xạ; lấy cả vú; cắt bỏ vú với hạch ở gần; cắt bỏ vú, các hạch lân cận và cơ thịt trên ngực.

Ngoài ra cũng nên nói qua tới các phương thức trị liệu không chính thống mà nhiều giới tây y cho là không căn bản khoa học, vô hiệu, hoang đường. Nhưng rất đông người bệnh vẫn theo dùng. Có bệnh thì vái tứ phương mà. Ðó là điều trị bằng cây con thiên nhiên, thoa bóp, phản xạ, châm cứu, thư giãn cơ thể vv…Dù không hữu hiệu trông thấy nhưng các phương thức này cũng hỗ trợ tinh thần, giúp người bệnh mau lành hơn Tuy nhiên trước khi dùng nên tìm hiểu rõ ràng công dụng cũng như ảnh hưởng không hay. Nếu không gây ra nguy hại thì dùng cũng chẳng sao. Và có lẽ nên dùng song hành, phụ thêm vào với các phương pháp thực nghiệm đã có chứng minh giá trị trừ bệnh, sau khi hội ý với bác sĩ đang chăm sóc. Ðể tránh tương tác không tốt giữa hai ba phương thức khác nhau.

Vài hàng tâm sự
Trong ung thư nhũ hoa có vài điều mà quý tỷ muội hằng ưu tư suy nghĩ.

a-Thứ nhất là tôi sẽ đau đớn chết lần mòn với tàn phá của ung thư, với tác dụng phụ ghê gớm của thuốc men trị liệu hay sao?

Xin quý tỷ muội hãy bình tâm khi thấy có dấu hiệu ung thư vì khám phá ra sớm có rất nhiều hy vọng chữa lành. Y khoa học ngày nay tiến bộ lắm. Cái đáng ngại là thấy một bất thường trên nhũ hoa mà mũ ni che tai, làm lơ chẳng chịu tiếp tục xét nghiệm, chẳng chịu gặp nhà chuyên môn để tham khảo ý kiến rồi điều trị ngay. Còn tác dụng phụ thì có đấy, nhưng dưới sự hướng dẫn khôn khéo kinh nghiệm của bác sĩ, rủi do cũng giảm bớt. Vả lại “thuốc đắng dã tật” mà.

b-Không còn nhũ hoa thì thân hình tôi đâu còn cân đối, hấp dẫn như xưa.

Quý tỷ muội chẳng phải e ngại ở điểm này. Phẫu thuật thẩm mỹ ngày nay “hiện đại” lắm. Ngay sau giải phẫu, các bàn tay chuyên môn có thể tái tạo tức thì cho quý tỷ muội một cặp nhũ hoa to đẹp hơn trước rất nhiều. Hoặc vì lý do nào đó không đền bù phần đã mất đi thì quý tỷ muội cũng có thể mang những nhũ hoa nhân tạo bằng vật liệu mềm đẹp chẳng kém gì quà tặng của bà mụ.

c-Sau khi chữa ung thư tôi có con được không?

Theo nhiều nghiên cứu, vài năm sau khi giải phẫu mà không có dấu hiệu ung thư tái phát thì có thể có con với rất ít rủi ro.Nhưng có ung thư mà mang thai thì sợ rằng kích thích tố sẽ khiến tế bào bất thường tăng sinh mạnh hơn.

d-Tôi nghe nói là trị liệu các loại làm người tôi trở nên khô khan, giảm ước muốn tình dục, giao hợp khó khăn.Như vậy thì đời sống sinh lý của tôi sẽ ra sao?

Về điểm này thì tùy tâm trạng, quan niệm của mỗi cặp vợ chồng, người yêu. Nhũ hoa chỉ là một trong nhiều yếu tố để có thỏa mãn tình dục. Nếu thương yêu nhau thật tình thì còn nhiều cách khác để làm nhau vui, xá chi bộ ngực còn hay mất, lớn hay nhỏ. Nếu tỷ muội mặc cảm, sợ người yêu ruồng bỏ lơ là, nếu tỷ muội thấy xấu hổ khi lộ sẹo giải phẫu cho người yêu thấy thì ước tình của quý tỷ muội có thể nguội lạnh dần dần rồi ra đi vĩnh viễn. Rồi liệu người yêu có cảm thấy bối rối trước thân hình đổi thay của đối tượng, nếu khơi động thì có bị coi là chỉ nghĩ tới thỏa mãn cá nhân mà không thấy nỗi đau của người khác; nếu kiềm chế thì lại bảo tôi xấu rồi, bỏ rơi tôi. Thành ra đôi bên cần có sự cảm thông, khích lệ lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Có khi tình yêu, tình dục lại đậm đà hơn trước vì hai người vượt qua được căng thẳng hay dở của nhau.

Ngoài ra, sau những ngày tháng điều trị, giải phẫu, nhiều người cảm thấy mệt mỏi suy nhược và đều tự hỏi bao giờ có thể trở lại với công việc hàng ngày cũng như ăn uống, tập luyện cơ thể ra sao.

Giải phẫu u bướu trên vú thường cũng lấy đi những hạch ở nách. Bắp thịt và mô bào ở ngực, vai, cánh tay đều chịu ảnh hưởng như sưng, co cứng khiến cho các động tác chải tóc, cài cúc áo, đánh răng, là ủi quần áo khó khăn hơn. Quý tỷ muội nên tham khảo ý kiến các chuyên viên vật lý trị liệu, học hỏi cách thức tập luyện để phục hồi cử động của tay. Tránh cầm hoặc mang túi nặng trên vai phía ngực giải phẫu. Vận động cơ thể dần dần tùy theo sức khỏe cho phép. Ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, bớt chất béo, nhiều rau trái cây.

Kết luận.
Chẳng may bị ung thư vú là một bất hạnh nhưng không phải là một bản án tử hình khó tránh. Mặc dù bệnh có thể gây tử vong cho một số người hoặc đưa đến những xúc động t��m lý xã hội xâu đậm, ảnh hưởng tới vai trò của người phụ nữ, nhưng Ung thư có thể trị dứt nếu khám phá ra sớm. Rất nhiều tỷ muội bị ung thư được điều trị tức thì đều vui sống yêu đời cả mấy chục năm với chồng con mà không bị tái phát. Cho nên tích cực trong đời sống hàng ngày, hiểu biết về các bệnh để phòng ngừa, áp dụng vài phương pháp tự khám, xét nghiệm là quý tỷ muội đã tránh được nguy cơ nan bệnh. Các cụ ta vẫn nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là vậy.

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

Texas- Hoa Kỳ.

Comments are closed