Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Người Già và Phúc Lợi Xã hội

Á Đông ta có quan niệm “đa thọ, đa nhục”.

Chateaubriand ví tuổi già như con tầu đắm.

Horace than phiền : tuổi già buồn nản đang đến, giã từ những nụ cười vui, những tình yêu nồng nàn và những giấc ngủ an lành.

Còn Hippocrate thì so sánh tuổi đời với bốn mùa mà già là mùa Đông băng giá.

Có lẽ là khi về già, con người, giống như mọi sinh vật khác , thường thường đều trải qua những thay đổi về cấu tạo, về chức năng có thể đưa tới đau yếu, bệnh hoạn, Nên người già quan niệm sống lâu mà suy yếu, thiếu thốn, chẳng qua cũng chỉ như cây tầm gửi, là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Rõ thực là “Khi vui thì muốn sống lâu, Khi buồn lại muốn thác mau cho rồi”!

Nhưng xin các cụ đừng nản chí.Tuổi già bên Mỹ hiện bây giờ đang được o bế, chiều chuộng rất nhiều. Dân số Mỹ hiện nay là 280 triệu, trong số đó người già lên tới trên dưới 40 triệu. Đây là một khối cử tri rất lớn mà các vị dân cử nào cũng muốn o bế. Và người Việt cao niên ta, tuy khiêm nhường, nhưng cũng có khoảng 400,000 vị. Với 400,000 cử tri con cháu Vua Hùng này ta dư sức đưa một người Mỹ gốc Việt vào thượng viện Hoa Kỳ.

Vì thế, năm nay đảng Cộng hòa đã lấy lòng lớp người cao tuổi này, bằng cách đề nghị sửa đổi đạo luật về Medicare.

Rồi các cơ sở thương mại, các dịch vụ y tế , xã hội, du lịch đều nhắm vào các cụ có một lợi tức cố định này để cung cấp các nhu cầu, dịch vụ mà làm giầu.

Coi vậy thì thấy tuổi già Đông, Tây cũng trải qua nhiều vui buồn của thăng trầm.

Phong tục Việt Nam vốn trọng người già. Ta có câu:”Triều đình thượng tước, Hương đảng thượng xỉ”, có ý nói là ở nơi triều đình thì chức tước cao được ngồi trên, còn tại chốn đình trung hương đảng thì người cao tuổi được coi trọng hơn. Vì được quý trọng nên dân ta đã có nhiều tục lệ tốt đối với người già.

Trong gia đình, Tết đến, con cháu tụ họp trước là để cúng gia tiên, sau là chúc tuổi thọ ông bà cha mẹ.Tăng thêm một tuổi là thêm thọ, một điều mà ai cũng mừng, cũng nhắc nhở chờ đợi: ” Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm”- Anh Thơ.

Ngoài xã hội, nhất là nơi thôn ấp, các vị cao niên từ 50 tuổi trở lên thì được xếp vào hạng bô lão, trên cả các hương chức quyền thế tại địa phương. Trong số bô lão, cụ nào cao tuổi hơn cả thì được tôn vinh là các Cụ Thượng, thường là trên 80. Tuổi 40 được mở tiệc tứ tuần đại khánh; 60 tuổi trở lên thì các cụ đã ăn mừng thọ, từ tiểu thọ, trung thọ rồi đại thọ ở tuổi ngoài 80.

Vì quan niệm tuổi thọ là tuổi Trời ban cho, nên các vị cao tuổi đều được kính trọng. Ra đường, gặp người già là mọi người phải cúi đầu chào hỏi cho lễ phép, phải nhường bước, phải nhường chỗ ngồi, phải đứng lên khi bô lão xuất hiện, không được ngắt lời bô lão khi thảo luận..

Trong làng xã thì có những tục rước lão, tiệc yến lão. Người già mặc quần áo đẹp, con cháu ôm cơi trầu, điếu ống theo hầu. Dân làng mang cờ quạt, võng cáng với trống chiêng tới đón mời lên Đình để hương chức và dân chúng chiêm ngưỡng, chúc tụng. Rồi dự yến tiệc.

Ngoài ra các cụ còn được làng xã dành cho một số quyền lợi về công điền, địa thổ, được miễn trừ hết sưu dịch. Quan niệm ” kính già , già để tuổi cho ” rất phổ biến.

Cũng như người Trung Hoa, xã hội ta vẫn coi gia đình là một đơn vị nền tảng với tôn ti trật tự rõ rệt. Chủ gia đình là người cao tuổi nhất, có toàn quyền quyết định về mọi sinh hoạt của thành viên. Việc dựng vợ gả chồng hoàn toàn do người cao tuổi sắp đặt: cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.

Nhờ con cái thấm nhuần tư tưởng ” Công Cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chẩy ra”, nên người già Việt Nam đều sống với gia đình và được thân nhân chăm sóc, phụng dưỡng cho tơí khi mãn phần. Chỉ khi nào vì quá nghèo lại không có thân nhân thì họ mới phải vào trong các nhà dưỡng lão do chính quyền hay các hội từ thiện tư nhân tài trợ.

Ở phương Tây, số phận và vai trò của người cao tuổi được ghi nhận đầy đủ hơn trong các sinh hoạt xã hội, văn hóa.

Vào thuở bán khai con số người cao tuổi không nhiều lắm. Những người trên 65 tuổi chiếm không quá 3% dân số. Tùy từng địa phương, quốc gia, họ được đối xử khác nhau. Nhưng nói chung thì họ được chăm sóc, nuôi dưỡng cho tới khi mãn phần.

Người trẻ dành cho họ một niềm kính trọng vàï một số biệt đãi. Chẳng hạn họ được uống rượu cho tới khi say, vì họ cần rượu để sưởi ấm cơ thể; được ăn những thức ăn hiếm như tim , phổi, gan, tủy sống của súc vật để bổ dưỡng. Tại vài bộ lạc bên Úc, con cháu còn dâng hiến máu của mình cho ông bà cha me uống hoặc vẩy trên mình, để tăng cường sức lực.

Nhưng, cũng như mọi sự việc khác trên đời, hung cát, cát hung theo nhau, sự kính trọng đó sói mòn dần, vì hoàn cảnh sinh sống, đòi hỏi kinh tế. Đã có người trẻ đặt vấn đề với người già và yêu cầu họ chuyển nhượng quyền hành. Tranh chấp giữa hai lớp tuổi mỗi ngày một căng thẳng. Đời sống người già trở nên khó khăn và đa số chỉ giữ vai trò tượng trưng, đại diện..

Người già còn bị cáo buộc là không còn ích lợi gì, trái lại suốt ngày chỉ ngồi nói chuyện tầm phào, gây mâu thuẫn khó chịu. Họ thường được gán cho những hư cấu, những một nửa sự thật có dụng ý kỳ thị, phân chia. Họ được xếp vào một nhóm người nom ai cũng giống ai, suy yếu, kém sức khỏe, không tự lo liệu được, phụ thuộc con cái, không thích nghi với hoàn cảnh, chỉ nghĩ tới quá khứ, sống cô đơn xa lánh mọi người để mỗi ngày một hao mòn. Người già nhiều khi còn bị khai thác, lợi dụng, bỏ rơi không khác gì trong thời tiền sử.

Tuy nhiên, trong thế kỷ vừa qua, vấn đề người già đã là mối ưu tư lớn của mọi người. Sự gia tăng dân số kèm theo nhiều khó khăn của lớp người này trên thế giới đã được các quốc gia và tổ chức Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu tâm tìm biện pháp giải quyết giúp đỡ. Số người trên 60 tuổi đã mau chóng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số dân cư trên thế giới. Điều đáng ngại là sự gia tăng này lại xẩy ra nhiều hơn ở các quốc gia đang mở mang, chưa đủ phương tiện ứng phó. Lý do sự gia tăng gồm có việc giảm số tử vong do các bệnh truyền nhiễm, cải thiện điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng, nhà ở, các phương pháp phòng ngừa bệnh, khám phá ra thuốc kháng sinh. Sự gia tăng tuổi thọ là dấu hiệu của sự tiến bộ cũng như sự hoàn tất sinh học quan trọng trong thế kỷ 20.

Người cao tuổi phải được coi như một nguồn lợi quý giá chứ không phải là gánh nặng cho xã hội, vì họ sẽ còn đóng góp nhiều cho đất nước bằng những kiến thức, kinh nghiệm của họ. Căn cứ trên quan niệm đó, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi toàn thế giới lưu tâm tới những khó khăn đang ám ảnh người cao tuổi, đồng thời cũng đề nghị nhiều chương trình để bảo đảm sự an toàn về kinh tế, xã hội của khối người quan trọng và cần thiết này, cũng như tạo cơ hội cho họ đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia.

Liên Hiệp Quốc đề nghị một số nguyên tắc để giúp đỡ người cao tuổi như: Họ phải có cơ hội được xử dụng dễ dàng về thực phẩm, nước uống, nhà ở, chăm sóc y tế, việc làm và có một đời sống an toàn; họ phải được xử dụng các dịch vụ pháp lý, các phương tiện giáo dục, văn hóa, giải trí để phát triển mọi tiềm lực; phải được sống trong vinh dự, không bị khai thác, lợi dụng và được đối xử bình đẳng.

Ngoài ra, các quốc gia cũng cần tạo môi trường thuận lợi để khích lệ dân chúng dành dụm tiền cho tuổi về già; khuyến khích mọi lứa tuổi tham dự vào các chương trình, cũng như các cơ cấu đầu não có quyền quyết định chính sách chung; tăng cường các biện pháp và cơ chế để bảo đảm là người về hưu không rơi vào tình trạng nghèo khó, vì họ đã có công đóng góp nhiều cho sự phát triển quốc gia khi trước.

Riêng tại Mỹ. Chương trình Medicare được thành hình vào năm 1965. Đây là một loại bảo hiểm quốc gia cho người từ 65 tuổi trở lên, một số người dưới 65 tuổi mà bị tàn tật và bệnh nhân bị thận suy ở giai đoạn cuối, cần lọc máu và thay thận. Số người hưởng thụ lên đến 40 triệu.

Từ khi áp dụng, Medicare đã được điều chỉnh hàng năm để đáp ứng nhu cầu của người già, cũng như tùy theo ngân sách quốc gia. Vào tháng 11 các cụ đều nhận một cuốn chỉ nam về các thay đổi dịch vụ chăm sóc cho năm tới. Nhưng tương lai của Medicare dường như cũng ảm đạm, nên người già mà không sửa soạn tài chánh kinh tế cá nhân thì sợ rằng sẽ gặp nhiều khó khăn. Và Medicare vẫn là đề tài được thảo luận của mọi người liên hệ tới.

Tháng 3 năm 2003, Tổng Thống Bush đã chuyển sang quốc hội một đề nghị canh cải Medicare. Đây là để thực hiện lời hứa với khối cử tri người già khi ông ra tranh cử cách đây hơn ba năm. Quốc hội đã thông qua.Tổng Thống Bush hớn hở thưa với quốc dân đồng bào rằng “øchỉ sáu tháng sau khi tôi ký ban hành đạo luật này, là các cụ sẽ trông thấy ích lợi về tiết kiệm tiền bạc và hệ thống Medicare của chúng sẽ rất tiến bộ và mạnh mẽ”. Được đà, ông Bush tuyên bố sẽ đưa ra đề nghị hoàn chỉnh chương trình An Sinh Xã Hội vào năm tới. Chương trình này hiện giờ cũng gặp rất nhiều khó khăn vì lạm phát, vì ngân quỹ thâm thủng.

Một cách tổng quát, luật Medicare mới có những điểm chính như sau:

1-Trợ cấp bồi hoàn dược phẩm: Người có Medicare trả mỗi tháng 35 đồng tiền thuốc, 250 đô hàng năm. Sau đó chương trình sẽ trả 75% cho tới 2250 mỗi năm. Nếu dùng từ 2251 đến 5100 đô, thì bệnh nhân phải trả hết. Nhưng khi quá 5100 đô thì Medicare trả cho 95%.

2-Trả tiền khám bệnh lần đầu cho người mới được hưởng Medicare cũng như kiểm soát coi có bị tiểu đường, bệnh tim mạch

3-Cho phép dược phẩm generic chung được bào chế sớm để giảm giá thuốc; cấm nhập cảng thuốc từ các nước khác;

4-Tăng tiền y phí cho các bác sĩ điều trị người già. Hiện nay nhiều bác sĩ không muốn nhận Medicare vì bồi hoàn y phí rất thấp.

5-Tăng tiền cho các bệnh viện chữa bệnh nhân nghèo

Và nhiều đề nghị hấp dẫn khác nữa.

Aûnh hưởng của luật này trong tương lai chưa biết tốt xấu ra sao, vì cũng có nhiều phê bình, chỉ trích. Nhất là từ phía đảng đối lập Dân Chủ. Nhưng việc trợ cấp bồi hoàn thuốc cũng đã giúp được nhiều người già, vì họ vẫn phải bỏ tiền túi ra mua. Khoản trợ cấp theo luật mới này lên đến cả mấy trăm tỷ mỹ kim. Cho tới nay, chỉ có người già mà kém lợi tức, lãnh welfare mới được giúp đỡ mua dược phẩm.

Phúc lợi của người già bên Mỹ, trong đó có đồng hương mình, như vậy cũng được cung cấp khá chu đáo.

Thấy người ta hăng say tự do tranh luận tìm giải pháp để chăm sóc sức khỏe cho người già ở đây mà thấy se lòng. Nghĩ tới số phận hẩm hiu của đồng tuế ở nơi vẫn được coi là quê hương. Một giường bệnh vài ba người nằm. Muốn được chăm sóc, ngoài y phí, phải có “phong bì kính biếu” lót tay cho nhân viên y tế. Xếp hàng nửa ngày mới được khám bệnh. Trả tiền mua thuốc vừa hết tháng lương hưu…

Và còn nhiều khó khăn, thiếu thốn khác nữa.

Thực buồn..

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

Texas 11-2003

Comments are closed