Nó là động lực thúc đẩy những nhà thám hiểm lặn lội đi tìm suối nước vĩnh cửu ở vùng đất lạ, cũng như làmục tiêu nghiên cứu của khoa học gia xưa nay.
Nó đã tạo cơ hội làm giầu cho những lang băm, những tên lường gạt rao bán ngỗng trời giữa chợ với môn thuốc trường sinh bất tử..
Nó ám ảnh mọi người, mọi giống. Ai cũng mong mỏi sống mãi không già, thoát khỏi những tàn phá của cơ thể do thời gian, giữ mãi được những nét thanh xuân đầy nhựa sống . Ai cũng nghĩ là ở đâu đó, có môn thuốc mà khi uống vào ta sẽ thi gan cùng tuế nguyệt. Ta chỉ việc cố gắng, kiên nhẫn tìm là sẽ thấy nó.
Nhân dịp xuân về, chúng tôi mời quý vị, ta lang thang vào cái vườn địa đàng này. Biết đâu chẳng may mắn nhặt được vài trái đào của Tây Vương Mẫu rơi rớt đó đây; uống lén được chút rượu Kim Tương. Để rồi cùng nhau bách niên giai lão, tiếp tục mè nheo người bạn đường sung sức…
Trường sinh trong Triết học.
Cũng như các dân tộc khác, người Trung Hoa xa xưa đã có một khái niệm, một triết lý về sự sống lâu.
Lão Tử õ từng quan niệm là nếu một sự vật có thể biến thành sự vật khác thì với con người, sự chết cũng có thể thành bất tử. Như con nòng nọc có đuôi kia biến thành con cóc, con nhái, con sâu róm lột xác thành con bướm. Đạo Lão cho con người sống là nhờ sự hoà hợp của âm / dương, nếu giữ được sự hòa hợp này thì cuộc sống kéo dài.
Quan niệm này đã và vẫn là căn bản cho Y thuật Trung Hoa cùng các nước chịu ảnh hưởng văn hóa quốc gia này như Việt Nam, Triều Tiên. Lão cũng khuyên người ta phải tiết kiệm sinh lực bằng vô vi, tập phép hô hấp để tăng dưỡng khí cho não bộ, ăn nhiều trái cây, kiêng rưọu, thịt và sống cho phải đạo.
Câu chuyện người Luigi Cornaro, sanh năm 1470, sống cuộc đời phóng đãng hơn 30 năm. Thầy thuốc nói nếu tiếp tục như vậy sẽ không qua được tuổi 50. Ông ta bèn thay đổi nếp sống, tiết độ hơn và kết qủa là sống tới tuổi 103, để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm giá trị về bảo vệ sức khỏe. Hai trăm năm sau, nhiều người đã áp dụng lối sống của Cornaro .
Triết gia Plato, thọ 81 tuổi, khuyên ta không được rượu chè say sưa, nhất là ở tuổi trung niên, nếu muốn trường thọ.
Thủy tổ nền y học tây phương Hippocrates, sống tới 80 tuổi, nhắc nhở con người nên từ từ, dung hòa ở mọi lãnh vực để giữ gìn nhựa sống. Nhất là từ khi đặt chân lên ngưỡng cửa 60.
Có người muốn kéo dài sự sống thì cũng có người quan niệm ngược lại. Sinh, Lão, Bệnh, Tử là lẽ thường của tạo hóa, hà cớ chi phải bận tâm quá đáng. Sự chết cũng tốt cho loài người. Tre già măng mọc, đèn cạn dầu đèn tắt. Và đã hưởng hết lạc thú rồi thì cầu sống lâu làm gì?
Trường sinh trong huyền thoại
Huyền thoại Hy lạp, Ấn độ, La mã ghi lại nhiều giai thoại trường sinh thần tiên.
Nàng Eos yêu Tithonus hết mình, muốn cùng chàng bên nhau mãi mãi. Nàng xin Thần lãnh đạo Thiên Đường Zeus cho chàng được bất tử. Tithonus sống mãi, nhưng càng sống lâu càng trở nên đau yếu, bệnh hoạn và phải nuôi trong phòng riêng. Eos trở nên buồn, vì nàng đã quên không xin cho chàng vừa sống lâu vừa giữ được vẻ thanh xuân. Nàng đi kiếm người tình khác.
Người Ả Rập hay kể cho nhau nghe câu chuyện nhân vật quen thuộc El Khidr với Giếng Nước Vĩnh Cửu: Một hôm tình cờ El Khidr rửa con cá khô trong giếng nước, con cá tự nhiên quẫy động, sống lại. Không bỏ lỡ cơ hội, El Khidr nhẩy xuống giếng tắm và trở thành bất tử .
Hi Lạp xưa cũng có suối nước vĩnh cửu trong rừng Jupiter, mà, theo tục truyền, ai tắm nước đó sẽ được phục hồi tuổi trai tráng và khỏe mạnh.
Trường sinh trong văn học, nghệ thuật.
Văn nhân thi xưa nay cũng khao khát sự trường thọ.
Thi sĩ Hy lạp Hesiod tả hình ảnh đầy hấp dẫn của giống người Golden Race, sống lành mạnh tới cả trên trăm tuổi. Đến khi chết, họ ra đi một cách nhẹ nhàng, thoải mái như đi vào giấc ngủ say.
Pindar thì tả cảnh thiên đường trường thọ của dân chúng trong một hải đảo giữa biển Atlantic: sống cả ngàn năm trong hoan lạc, không biết gì đến đau yếu, bệnh tật.
Trong tiểu thuyết Lost Horizon xuất bản năm 1933, James Hilton tả cảnh sống thiên đường của dân chúng ở vùng Shangri-La .
Trong sách Metamorphoses, thi sĩ La Mã Ovid kể lại chuyện vua Aeson của Hi Lạp được phục hồi sức khỏe bằng cách chích vào tĩnh mạch một hỗn hợp điều chế từ máu cừu đực chưa thiến, da rắn, thịt cú và rễ nhiều thảo mộc khác nhau .
Trường sinh với các nhà thám hiểm
Nhiều nhà thám hiểm cũng đã giương cờ đi khắp năm châu bốn bể để tìm thuốc trường sinh.
Juan Ponce de Leon, người Tây Ban Nha, đã lên đường thám hiểm Tân Thế Giới với hy vọng kiếm được thuốc hồi xuân. Ông ta đã già yếu, không thỏa mãn được cô vợ trẻ sung sức. Đồng thời ông ta cũng muốn có thần dược dâng Quốc Vương Ferdinand II. Không kiếm ra thuốc, nhưng ông ta đã tìm ra tiểu bang phì nhiêu, hiền hòa Florida năm 1513. Ông ta qua đời vì vết thương bị nhiễm độc trong khi giao tranh với thổ dân gốc Indian vào tuổi 63.
Tần Thủy Hoàng Đế, sau khi gồm thâu lục quốc, dựng nghiệp Đế, muốn bất tử để trị vì trăm họ. Ông đã phái các phương sĩ Từ Phước và Lư Sinh căng buồm ra Biển Đông tìm thần dược. Lư Sinh, Từ Phước không tìm ra linh dược, nhưng đã lánh nạn và tìm được những mùa xuân bất tận cho nhiều thế hệ con cháu trên đất Phù Tang mầu mỡ.
Năm 1498, Columbus tuyên bố là đã tìm ra miền vĩnh cửu ở dọc theo bờ biển Venezuela, gần đảo Trinidad .
Trường sinh với căn bản khoa học.
Bên cạnh những ý kiến, dữ kiện khó tin, nhiều người đương thời đã có cái nhìn nghiêm túc hơn về sự hóa già và phương cách trì hoãn diễn biến này.
Tu sĩ dòng Franciscan kiêm khoa học gia Roger Bacon đã lý luận rằng con người già vì sự mất bớt nhiệt năng bẩm sinh. Nếu sống hợp lý cộng với thuốc men hiệu nghiệm, ta có thể trì hoãn sự mất mát này và sống lâu hơn. Ông ta hỗ trợ thuốc chế từ thịt rắn, tim hươu nai và một vài thảo mộc trong rừng ở Nam Phi hay nước san hô, ngọc trai. Nhưng phương thức mà ông ta ưa thích nhất là hít sinh khí hơi thở của trinh nữ.
Người Do Thái khi xưa cũng tin rằng con gái trẻ là phương thuốc chữa bệnh tốt. Vua David, khi về già không được khỏe, người cứ lạnh toát, đắp bao nhiêu chăn cũng không đủ ấm. Thần dân bèn đặt Người nằm cạnh những thiếu nữ với ý định là để chân khí từ thiếu nữ tiếp sức cho vua cha. Và Ngài khỏe ra.
Boerhaave, danh y người Đức, sống từ 1668 tới 1738, cũng khuyên viên thị trưởng Amsterdam là nếu muốn lấy lại sinh lực thì hãy nằm giữa hai thiếu nữ còn trinh.
Công dụng Hơi Thở thiếu nữ cũng thấy ghi trong ngôi mộ cổ của một lão nhân Ai cập, nói rằng ông ta sống tới tuổi 115 là nhờ những hơi thở này.
Nhà luyện kim kiêm y sĩ Paracelsus của Đức, vào thế kỷ 16 đã tin tưởng rằng lão hóa là do sự thay đổi hóa chất trong cơ thể như sự rỉ sét của kim loại. Ông ta khuyên nên ăn uống cân bằng, ở trong vùng khí hậu ôn hoà, dùng những thuốc do ông ta chế.
Theo Leonardo Da Vinci, con người mau già là do hậu quả của mạch máu dầy lên, máu lưu thông khó khăn, dinh dưỡng suy giảm .
Những thế kỷ kế tiếp, việc tìm kiếm phương thức trì hoãn sự lão hóa mang ít nhiều tính cách khoa học hơn và được thực hiện bởi nhiều nhà chuyên môn quan tâm đến vấn đề này.
Mùa thu năm 1885, Charles Ed. Brown Sequard, 72 tuổi, nguyên giáo sư Đại học Harvard, hùng hồn trình bầy trước các học giả uy tín của College de France. Ông ta cho hay là đã lấy lại được sinh lực, thỏa mãn đòi hỏi tình dục của người vợ trẻ bằng cách dùng nước tinh chế từ ngọc hành loài chó. Y giới mọi nơi vội vàng áp dụng môn thuốc này, nhưng hiệu quả không được như lời nói.
Sau Thế chiến thứ nhất, viên Y sĩ người Nga, Serge Vernof, sang Pháp và cấy tế bào ngọc hành cho nhiều người để tăng cường sinh lý.
Ở Mỹ, mấy năm sau, John Romulus Brinkly cũng áp dụng phương pháp này cho thân chủ, kiếm được nhiều tiền, mua đài phát thanh và ra tranh cử chức Thống đốc tiểu bang Arkansas.
Descartes, Benjamin Franklin, Francis Bacon, Christopher Hufeland …với nhiều công sức nghiên cứu đều tin tưởng là sự lão hóa và sự tử vong sẽ bị khoa học khuất phục. Hufeland còn khuyên ta nên tránh sự tức giận, sự tự hủy hoại và coi chúng là kẻ thù của trường thọ.
Các nghiên cứu gần đây.
Jean Martin Charcot, Y sĩ Pháp, được nhiều người coi là cha đẻ của Lão-khoa-học, xuất bản cuốn sách đầu tiên về khoa này năm 1867 nhan đề Clinical Lectures on Senile and Chronic Diseases. Tác giả đề nghị nghiên cứu diễn tiến sự hoá già, nguyên nhân già, thay đổi cơ thể khi về già.
Bác sĩ Ignatz Leo Nascher vận động để các trường Y Khoa đặt nặng phần nghiên cứu vấn đề liên quan tới hóa già
Sir Peter Medawar và Sir Mac Farlane Burnet là những người đầu tiên lưu ý tới ảnh hưởng của gene trong sự lão hoá.
Sau thế chiến thứ hai, tốc độ nghiên cứu về vấn đề già phát triển mạnh. Tờ báo uy tín Journal of Gerotology ấn hành số đầu tiên vào năm 1946 ở Hoa Kỳ.
Từ năm 1970, tại Mỹ, do sự đòi hỏi của dân chúng, các khoa học gia và chính trị gia liên kết thúc đẩy chính phủ trợ cấp nhiều hơn nữa cho việc nghiên cứu các vấn đề về lão hóa. Do sự ủng hộ tích cực củaThượng Nghị Sĩ Alan Cranton, cơ quan Quốc Gia Tuổi Già ( National Institute of Aging) được chính thức thành lập năm 1976. Cơ quan này có ngân sách cao tới cả nửa tỷ mỹ kim và chuyên chú về các vấn đề liên quan tới người cao tuổi .
Ngày nay, trên thị trường thương mại, ta có thể kiếm được nhiều chất hoặc được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền về y khoa học , hoặc được người chế ra quảng cáo là có công hiệu trì hoãn sự lão hoá.
Nhớ lại vào giữa thập niên năm mươi, đồng bào ta ở Việt Nam nhiều người đua nhau dùng thuốc Gerovital-KH3. Thuốc này được một y sĩ Lỗ Ma Ni điều chế và nghe nói các nhân vật nổi danh như Tưóng De Gaulle, Thủ tướng Adenauer, văn hào Sommerset Maugham cũng dùng thử. Gerovital vẫn còn được bán tự do ở Âu Châu, nhưng không được cơ quan Dược Phẩm Hoa kỳ công nhận giá trị chống lão hóa.
Nhiều người hiện đang dùng các loại sinh tố, khoáng chất, anti-oxidant, các loại kích thích tố, Q-10, Glutathione, Melantonin, Sod, DHEA, Omega-E ..Và được giới thiệu là có thể làm chậm sự lão hoá.
Các khoa học gia đang đi xa hơn trong công việc này. Họ nhắm vào việc thay đổi gene trong nhiễm thể tế bào, việc giới hạn tác hại của các phó sản trong biến hóa căn bản của tế bào.
Đi xa hơn nữa, họ nghĩ tới chuyện thay thế những bộ phận hư hao bằng bộ phận tạo ra do chính tế bào của mình, được nuôi dưỡng, cấu tạo trong phòng thí nghiệm hay trên bào thai, để tránh hiện tượng khước từ thông thường. Một ngày nào đó, biết đâu ta lại chẳng tân trang được cơ thể con người và chỉ cần đưa đi kiểm tra định kỳ mười năm một lần.
Kết luận
Trở lại với thực tại, ta thấy tuổi thọ con người đã tăng đáng kể trong hơn trăm năm qua.
Chừng nửa thế kỷ nữa, Hoa Kỳ sẽ có khoảng 75 triệu người trên 65 tuổi trong tổng số trên dưới ba trăm triệu dân. Tại các quốc gia khác, số người cao tuổi cũng tăng theo cùng nhịp độ. Đó là thành qủa những tiến bộ tuyệt vời của khoa học cũng như sự thay đổi neap sống của loài người.
Nhà bác học người Pháp, Louis Pasteur, năm 1856, đặt nền móng cho việc tiêu diệt hầu hết các bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân tử vong cao ở các thế kỷ trước, đã là người có công đầu trong việc tăng gia tuổi thọ.
Rồi khi sống lâu, loài người lại phải đối phó với những khó khăn mới gây ra do môi trường cũng như do thói quen, những bệnh nan y. Con người đã ý thức được vấn nạn đó và đang ứng phó rất hiệu nghiệm, tài tình.
Do sự tăng gia số, người cao tuổi sẽ có nhiều mầu sắc mới, sinh hoạt mới trong gia đình, xã hội. Những người trên 70 tuổi sẽ có nhiều việc để làm trong khoảng thời gian trên dưới 30 năm còn lại của cuộc đời. Sẽ có nhiều người, 70, 80 tuổi còn đi làm, hoặc đi học để cập nhật kiến thức.
Tỷ lệ lão niên nữ sẽ cao hơn nam vì sống lâu hơn . Sẽ có nhiều cặp nhân tình đầu bạc sống chung để nương tựa, đầm ấm với nhau. Sẽ có nhiều trường hợp con cái dọn về ở với cha mẹ già để các người bớt đơn côi.
Kỹ nghê phục vụ nhu cầu người cao tuổi sẽ phát triển mạnh. Hãng du lịch sẽ phát triển mạnh để thảo mãn nhu cầu người già.
Đồng thời, khối cử tri của người cao tuổi sẽ có ảnh hưởng nhiều tới các vấn đề trọng yếu của quốc gia. Người già sẽ lấy lại được sự trân trọng như trong thời kỳ nữ hoàng Anh Quốc Victoria xưa kia.
Và trong tương lai, khoa học nghiên cứu sẽ hướng nhiều vào việc “tăng đời sống cho năm tháng chứ không chỉ tăng năm tháng cho cuộc đời” (adding life to years, not just adding years to life). Để nhân loại sống trong thế kỷ thứ hai mươi mốt với tinh thần “Sống lâu, Sức khoẻ, mọi vẻ mọi hay”.
Đó sẽ là những chén rượu Kim Tương , những trái Bàn Đào mà chúng ta mong đợi.