Cuộc đời con người từ lúc mở mắt chào đời đến khi nhắm mắt ra đi đã có biết bao nhiêu là giã từ, hẫng hụt, xót xa.
Ở tuổi về già thì có quá nhiều tiếc thương để hàn gắn. Mà thời gian giờ còn lại chẳng có là bao.
Những mất mát
Mất mát là một sự kiện không tránh được trong cuộc đời và cũng là cái giá mà ta phải trả khi làm sở hữu chủ. Đây có thể là tử biệt, chia tay xa cách, hoặc đổi thay, không còn chủ quyền. Mất mát xẩy ra dưới nhiều dạng khác nhau:
Thai nhi ra khỏi lòng mẹ, cất tiếng khóc đầu tiên để lấy dưỡng khí cho sự sống. Và cũng để tiếc cho một mất mát: không còn an toàn trong cơ thể me hiền. Từ nay bé phải bắt đầu học hỏi để rồi tự lực cánh sinh.
Con đầu lòng mất đi sự độc quyền được cưng chiều khi biết là sẽ có em bé. Lớn lên, khi đã biết đi thì mất sự ẵm bế của mẹ cha. Khi trưởng thành, mất sự chăm sóc cơm nước của mẹ hiền. Và khi về già, mất đi sự tráng kiện của tuổi thanh xuân.
Tai nạn, ốm đau lấy đi vài chức năng hay một phần bộ phận cơ thể. Đang tự do lái xe mà bác sĩ khuyến cáo ngưng vì lý do sức khoẻ làm ta mất sự độc lập, không phụ thuộc ai về phương tiện di chuyển.
Một cảm giác thiếu sót khi người phối ngẫu quá bận công việc mà lơ là tình yêu thương với mình. Lại còn ly thân, ly dị mang mất đi người bạn đường đã từng một lần thề thốt trăm năm. Rồi mất việc, mất cương vị hội viên một tổ chức, mất con vật thân yêu của gia đình. Mất một biểu tượng như khi chúng ta phải dời quê hương tới định cư tỵ nạn miền đất lạ, hoặc khi ta mất một niềm tin, một nếp sống tự do, dân chủ.
Nhưng không có mất mát nào đau đớn xé nát tâm can bằng việc tiễn đưa người bạn trăm năm đi vào ô đất lạnh. Nó không đơn giản chỉ có tiếc thương mà còn kéo theo một đời sống đơn côi với tổng hợp của nhiều mất mát khác: mất một tình bạn, một người yêu, người tâm sự, người bao che giúp đỡ, người cùng bổn phận làm cha mẹ, ông bà. Mất một vật đã được coi là qúy nhất trên đời:
Mất người bạn trăm năm.
Với tuổi già, mất người bạn đường là một kinh nghiệm đau đớn, tàn bạo, gây ra rất nhiều sáo trộn, mà trở l���i bình thường thì cũng có thật nhiều khó khăn. Ta cần nhiều can đảm để thương nhớ cũng như nhiều can đảm để làm nỗi buồn phôi pha.
Thông thường, hôn nhân không chỉ là quan hệ tình dục, mà còn là nền móng trên đó hai cuộc đời được xây dựng. Những sinh hoạt hàng ngày, hàng tháng , hàng năm đã diễn ra. Đã có nhau như người bạn, người yêu, người nương tựa để cùng chia sẻ những vui buồn, trách nhiệm, bổn phận với gia đình, xã hội.
Rồi đây sẽ không còn người cùng thăm nom con cháu, không còn người để cho và nhận săn sóc, thương yêu. Tình nghĩa hiện diện bên nhau bao nhiêu năm qua, vui buồn thế sự có nhau, giờ đây chỉ còn là khoảng thời gian, không gian trống trải. Sự ra đi của người bạn đường đã xóa tan tất cả. Người ở lại thấy như hẫng hụt, mất đi một phần cơ thể.
Trung bình cứ năm lão nam trên 65 tuổi thì có một vị ở trong tình trạng goá vợ. Tới tuổi 65, cứ hai lão nữ thì một vị góa bụa, trên 80 thì hầu như 3/4 quý bà là quả phụ. Lý do là khi thành hôn, người vợ thường trẻ hơn, đồng thời vợ nhờ nhiều lý do khác thường thường cũng sống lâu hơn chồng.
Kinh nghiệm cho hay lão bà góa dễ dàng vượt qua thời kỳ tiếc thương hơn lão ông. Quý bà thường có nhiều bạn bè tâm sự, lại sẵn sàng chấp nhận sự an ủi, hỗ trợ của bạn, của nhóm. Lão ông góa dễ bị cô lập trong xã hội vì do bản tính độc lập, không có sẵn những bạn tâm sự, không chịu tìm kiếm giúp đỡ, không tham dự các nhóm tương thân.
Nhiều cụ ông khi mất người bạn trăm năm thì như mất đi gạch nối với xã hội, Vì trong nếp sống lứa đôi, người vợ thường giữ vai trò liên lạc giao tế tình cảm. Người vợ nhắc nhở chồng về ngày sinh nhật, ngày cưới của hai người cũng như của con cái, bạn bè. Lại còn việc bếp núc, mua sắm cũng trong tay vợ hiền. Người chồng quá lo sắp đặt mọi việc tài chánh, nhà ở cho vợ phòng rủi ro xẩy ra cho mình, mà không tự sửa soạn, đến lúc hữu sự thì bối rối, không ứng phó kịp.
Nhiều nhà chuyên môn cho là lão ông góa thường hay đau ốm, trầm buồn và dễ kết liễu đời mình cũng như hay chết vì tai biến mạch máu não, bệnh tim. Họ cũng hay uống rượu, hút thuốc lá và dùng thuốc an thần nhiều hơn để giải sầu.
Những dấu hiệu biểu lộ sự mất mát.
Khi mất người bạn đường, người ở lại sẽ có những tổn thương về cơ thể và tâm hồn.
Mệt mỏi, không có năng lực là triệu chứng thường thấy. Điều này cũng dễ hiểu , vì thương tiếc là một gánh rất nặng con người phải mang trong nhiều năm tháng với buồn rầu chồng chất.
Biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, bao tử ấm ách không tiêu đưa đến thiếu dinh dưỡng. Có người than phiền không nuốt nổi thức ăn vì buồn nôn, muốn óiï Táo bón hoặc tiêu chẩy cũng thường xẩy ra.
Giấc ngủ bị rối loạn vì đêm đêm thao thức nhớ thương. Tính tình thay đổi, gắt gỏng với mọi người. Có người thấy như nghẹn ở cổ họng, khó thở, nặng ngực, tim đập không đều, hồi hộp, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắtø. Từ năm 1944, Erick Lindermann đã nhận thấy là người goá bụa bị bệnh tim nhiều hơn người có vợ có chồng.
Nguy cơ bị các bệnh phong thấp, huyết áp cao, ung thư, bệnh ngoài da cũng gia tăng. Theo bác sĩ Glen Davidson, nguy cơ thiên đầu thống, trầm cảm kinh niên, đau lưng lên rất cao. Sức chịu đựng của cơ thể với bệnh tật cũng suy giảm rất nhiều.
Một nghiên cứu khác cho thấy là hệ thống miễn dịch giảm đi, nhất và từ tuần lễ thứ 8, do đó người thương tiếc rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Kết quả cuộc nghiên cứu tại Đại Học Louisville, Kentucky, năm 1988 cho hay tình trạng chung về sức khỏe của người tiếc thương bị suy giảm nhiều trong một vài năm, nhưng may mắn là không kéo dài lâu hơn.
Về tâm thần, người ở lại có những phản ứng, những cảm giác khác nhau. Có người rơi ngay vào sự sầu bi, tê dại, không có khả năng diễn tả cảm giác. Có người sống trong thương tiếc cả mấy năm, có người may mắn sớm vượt qua.
Diễn tiến của tiếc thương. Sau khi mất người thân yêu, có một hành trình đơn độc mà người ở lại phải đi qua. Thời gian này dài, ngắn, thương nhớ nhiều ít, thương nhớ ra sao là tùy theo hoàn cảnh mỗi cá nhân, giống tính, tín ngưỡng, phong tục và mối liên hệ với người đã chết. Mỗi hành trình có nhiều giai đoạn mà nếu biết trước ta có thể dễ dàng vượt qua.
Diễn tiến tiếc thương có thể là phản ứng mạnh, thu mình rồi thích nghi, hoặc tránh né, chống đối, và tái xây dựng.
Bác sĩ Elizabeth Kubler-Ross phân tích phản ứng tâm lý của người cận tử làm 5 giai đoạn: phủ nhận, cô lập, giận giữ, điều đình, chấp nhận. Tài liệu này cũng được nhiều nhà tâm lý học dựa vào để phân loại phản ứng của con người trước cái chết của thân nhân, bè bạn.
1- Phản ứng ngay sau khi người thân mệnh một là trạng thái tê dại, đờ đẫn, không cảm giác. Có người nói tâm trạng lúc đó như ở trong cơn mơ, ngây dại như người không hồn. Sự tê dại này làm giảm niềm đau đớn, đôi khi khiến ta hành động như không có chuyện gì xẩy ra. Bề ngoài tưởng như bình tĩnh, sắp sếp việc ma chay, mà trong lòng thì tràn đầy những rối loạn, buồn lo.
2-Phản ứng không tin, phủ nhận.-
Với nhiều người, phủ nhận là phản ứng đầu tiên. “Tôi không tin là vậy. Nhà tôi không chết đâu. Chắc có sự lầm lẫn nào đó”. Đứng bên cạnh quan tài, họ liên tục kêu gọi người thân tỉnh dậy. Sự phủ nhận này đôi khi làm ta tạm quên nỗi đau lòng, bớt sợ hãi, lo âu.
Có người thì lý trí biết là thân nhân đã khuất bóng nhưng con tim không tin, nên cảm như thấy guơng mặt người đó còn ở đâu đây.
Phủ nhận này đưa đến nhiều hành động không thực tế như tiếp tục kêu gào, muốn mang họ trở lại dù biết là không thể được.
3- Giận dữ –
Đây là một phản ứng thường thấy trong mọi mất mát, hướng về người ra đi, bạn bè, thầy thuốc hay với chính mình.
Với người ra đi thì, sao nỡ bỏ tôi một mình mà vội vã ra đi, để tôi cô đơn giữa bao nhiêu khó khăn. Rằng tôi đang cần bạn mà, bạn phải trở lại với tôi. Rằng nếu bạn tự săn sóc sức khoẻ như tôi hằng nhắc nhở thì đâu đến nỗi này…
Với chính mình thì, giá mình ở đó thì sự thể đâu có như vậy; giá mình đưa vào nhà thương hôm trước …
Với nhân viên y tế thì các vị không làm hết sức để cứu chữa nhà tôi, các vị không nói rõ thực trạng nhà tôi để tôi kiếm thầy chuyên môn hơn.
Với mọi người thì nhà tôi mất chứ đâu phải người thân của họ mà họ khuyên với lơn.
Lại còn giận hờn cả Thượng Đế, Thánh Thần nữa là sao quá bất công, người thân hiền lành phúc hậu thì bắt đi mất, mà để người hàng xóm độc ác sống nhăn.
Phản ứng này rất bình thường, mau qua, vô hại nên không cần đè nén, giấu giếm vì nó giải toả được hết tâm trạng mình. Để còn tiến tới, tạo dựng tương lai.
4- Buồn rầu, trầm cảm-
Khi đã nhận chân sự thực là người thân yêu đã vĩnh viễn ra đi, thì buồn rầu, một nỗi buồn không chịu nổi, chỉ muốn chết theo cho xong. Đây là phản ứng đau đớn nhất và kéo dài lâu hơn cả trong diễn tiến tiếc thương.
Người thương tiếc cảm thấy không có sinh lực, mệt mỏi, chán chường, lẻ loi, mất ngủ. Trong lòng thì bồn chồn, ngồi đứng không yên. Lúc nào tâm tư ý nghĩ cũng hướng về người đã khuất, về kỷ niệm cũ, về những lúc bên nhau. Càng nghĩ tới lại càng thêm đau lòng, nức nở.
Có điểm đặc biệt là khác với buồn rầu, trầm cảm do những nguyên nhân khác, người tiếc thương tuy sầu bi nhưng không mất niềm tự tin, vẫn giữ được niềm tự trọng, không coi mình là vô dụng, phế bỏ.
5- Cô đơn, lẻ loi, sợ hãi.
Ở nhà bây giờ chỉ có một mình, với khoảng không lạnh lẽo nhớ những sinh hoạt có nhau. Lại có những sợ hãi về an ninh, sợ sẽ mất người thân khác, sợ mình sẽ mang bệnh như người đã khuất. Rồi tự trách móc là mình đã không làm hết bổn phận, không là người bạn đường tốt, rằng người đó đã ra đi mà mình còn ở lại.
Vàø bao nhiêu những nếu, giả dụ khác nữa. Đôi khi còn có mộng mị, thấy như người thân bằng xương bằng thịt ở đâu đây.
6- Thời kỳ trở lại với thực tại, hàn gắn mối thương lòng.-
Những giai đoạn của tiếc thương cần một thời gian để chấp nhận thực tại rằng người đó đã vĩnh viễn ra đi, để sắp xếp lại cuộc đời của mình. Thời gian này kéo dài lâu mau tùy hoàn cảnh, mức độ thân thiết với người đã khuất, khả năng đối phó của mình, sự hỗ trợ của thân nhân, bè bạn.
Nhiều người cho là tiếc thương có thể kéo dài tới 2 năm. Nhưng làm sao định được giới hạn cho tình cảm xúc động, Nó nguôi đi khi nào nó hết. Vả lại hàn gắn vết thương lòng cũng cần thời gian chứ nhỉ!
Cũng có trường hợp sự tiếc thương kéo dài lâu hơn với những phản ứng không bình thường: tiếp tục phủ nhận sự chết, không đau đớn buồn phiền, tự cô lập với xã hội. Có người quá ám ảnh với người thân yêu, tiếp tục đối thọai, kiếm cách đoàn tụ tới khi không đạt được thì buồn, cho mình bất lực. Và nghĩ tới việc quyên sinh theo người đã chết. Hoặc cho mình là nạn nhân của mất mát. Nhất là khi người thân đột nhiên ra đi khiến người ở lại trở nên suy yếu, chậm hàn gắn thương đau.
Kéo dài tiếc thương cũng được dùng như một trừng phạt người bỏ ta ra đi hay là một lo sợ sẽ bị cô đơn. Đôi khi vô tình ta khuếch đại nỗi đau lòng, đắm mình trong kỷ niệm, trong lãng mạn thương yêu xưa. Họ cho là chấm dứt thương đau sớm là không trung thành với người chết, do đó đã duy trì liên hệ với người chết thay vì với người sống để đi tới.
Làm giảm khó khăn trong diễn tiến tiếc thương.
Trải qua một tiếc thương đau buồn, mỗi người có cách giải quyết riêng, đối phó riêng. Nhưng mục tiêu vẫn là tìm cách thay đổi hiện trạng, giảm thiểu khó khăn và không để khó khăn tràn ngập bao vây. Sẽ có những hành động tích cực của cá nhân cộng thêm sự giúp đỡ, hỗ trợ của họ hàng, bạn bè, lối xóm. Cho tới kỳ giỗ đầu là thời gian khó khăn nhất với nhiều vấn đề phải đối phó. Chẳng hạn:
a-Cảm xúc chưa ổn định, cần gia đình, bạn bè hỗ trợ, quan tâm an ủi, nghe nỗi lòng mình.
b-Khóc khi cần và khi có thể. Những giọt nước mắt trào ra sẽ sớm mang lại hàn gắn để đi tiếp cuộc đời.
c-Không hối hả vội vã rút ngắn giai đoạn tiếc thương. Mỗi tiếc thương là một độc đáo do liên hệ tình cảm, hoàn cảnh với người ra đi.
d-Sẵn sàng trải qua các giai đoạn tê dại, phủ nhận, buồn rầu sợ hãi, tức giận, cay đắng, tội lỗi, hối tiếc để rồi chấp nhận sự thực mà tạo hy vọng cho tương lai.
e- Duy trì hành xử tôn giáo, niềm tin để cầu nguyện cho mình và cho người thân.
g-Tâm sự với người đồng cảnh để nghe nỗi buồn của họ và để giải bầy nỗi buồn của mình, an ủi nhau. Đôi khi nói với, viết cho người đã khuất cũng làm nhẹ bớt thương đau.
h-Lần lần trở lại với sinh hoạt mới, đừng ngần ngại vui với đời, e ngại là sớm phản bội tình yêu. Vì đó cũng là ý muốn của người đã khuất.
i-Luôn luôn nhớ mình còn một tương lai dài để đi qua, còn nhiều lý do tốt lành để sống, cần nhiều nghị lực để chịu đựng, để tìm lại ý nghĩa và thích thú của sự sống. Hãy nhìn vào tương lai và sẵn sàng đón đợi ngày vui, hòa nhịp với cuộc đời.
k-Chăm sóc sức khỏe, ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ điều độ, duy trì vài vận động cơ thể để có sức mà mang gánh nặng tiếc thương. Nên để ý là rối loạn giấc ngủ thường hay xẩy ra.
l-Đọc sách, cầu nguyện, làm việc lặt vặt cho tới khi mệt có thể dỗ giấc ngủ. Đừng lệ thuộc vào thuốc an thần để trấn áp đau đớn tâm hồn hay để ngủ cho quên sự đời. Thuốc chỉ che đậy tạm thời nỗi đau, nếu ta không ứng phó thỏa đáng.
m-Dành cho mình những phút riêng tư để nghe tiếng nói tự cõi lòng cũng như để trầm tư, thiền định .
n-Giải quyết các vấn đề tài chánh, pháp lý. Kiểm kê giấy tờ bảo hiểm các loại, giấy khai tử, di chúc, an sinh xã hội. Ước định tình trạng tài chính, ngân hàng, lập kế hoạch chi thu trước khi có quyết định lớn cho nếp sống, ở đâu, ở với ai.
o-Thỏa mãn nhu cầu đời sống hàng ngày, tiếp tục duy trì giao du với bạn bè, thân hữu. Sẵn sàng tham dự, sửa soạn cho những dịp lễ tết với mọi người.
p-Hãy kiên nhẫn và khoan dung với chính mình, tin tưởng rằng diễn tiến tiếc thương dù có lâu dài, có đau đớn nhưng rồi cũng được hàn gắn.
Kết luận
Ta có tự do lựa chọn để yêu một người mãi mãi. Nhưng không có gì bảo đảm là người đó sẽ ở bên ta trọn đời hay trong một thời gian nhất định. Có gì là vĩnh cửu ở cõi đời này.
Mất mát, tiếc thương là điều không tránh khỏi. Nhưng kéo dài tiếc thương bao lâu, tiếc thương nhiều, ít thế nào để không chìm đắm trong sầu bi khổ lụy là điều tùy ta lựa chọn: muốn hòa vui v���i người sống hay vùi đầu trong ám ảnh với người chết.
Xóa nhòa tiếc thương cũng chỉ là để nói giã từ người thân, tháo gỡ những cảm xúc, ưu tư về một cái chết. Chứ không phải là chấm dứt tình cảm, quên người thân, bỏ dĩ vãng.
Xa dần tiếc thương là đưa cảm xúc này từ chỗ nổi vào chỗ chìm, để không mang đau thương vào những bước đi, nhịp sống,
Và không tự hành hạ. Để còn phải tích cực đi tiếp đoạn đường còn lại.
Vì như Cicero đã nói:” Chẳng có sự sầu não nào không nguôi dần và lắng dịu với thời gian”.