Võ sư Lê Sáng chào đời tại Hà Nội, trong một căn nhà nhỏ bên bờ Hồ Trúc Bạch vào mùa Thu năm 1920. Lớn lên ông theo học tại các trường công lập quanh vùng. Tới năm 19 tuổi, đang khỏe mạnh thì ông bị bạo bệnh mà khi hồi phục thì đi lại khó khăn. Thân mẫu khuyên ông nên tìm thầy học võ để rèn luyện tâm thân. Cơ may đưa ông tới với Võ sư Nguyễn Lộc, người đang phát triển một môn phái võ thuật riêng kết tinh từ các môn võ, vật Việt Nam mang nhiều nét dân tộc lấy tên là Võ Việt Nam, với tôn chỉ ” Học võ không phải để ỷ sức đánh người – mà học võ Việt Nam cốt là để giữ mình, giữ làng và giữ nước.”
Sau một thời gian tập luyện, học viên Lê Sáng đã lấy lại được sức khỏe, đi đứng bình thường đồng thời căn bản võ thuật cũng khá tiến bộ. Đó cũng là nhờ ông có cấu trúc cơ thể cao lớn, có sức mạnh dồi dào. Ông được võ sư Nguyễn Lộc yêu cầu hợp tác để phát triển môn phái mà sau này đổi danh xưng là VOVINAM Việt Võ Đạo. Các lớp huấn luyện võ được mở rộng tại Hà Nội cũng như các vùng phụ cận.
Với biến cố phân chia lãnh thổ vào năm1954, ông theo võ sư Nguyễn Lộc và các môn sinh vào miền Nam và tiếp tục sát cánh với võ sư Nguyễn Lộc để phát triển Vovinam ở mảnh đất VN Cộng hòa tự do dân chủ yêu quý. Vovinam đã được truyền dạy rộng rãi, từ cơ sở giáo dục tới cơ quan hành chánh, quân đội.
Năm 1960, võ sư Nguyễn Lộc đau bệnh từ trần. Trước đó, võ sư sáng tổ đã trao quyền Chưởng môn cho võ sư Lê Sáng.
Suốt nửa thế kỷ lãnh đạo môn phái Vovinam, võ sư chưởng môn Lê Sáng đã là ngọn đuốc soi đường cho từng bước đi của các môn sinh. Ông tiếp tục công trình của sáng tổ Nguyễn Lộc để lại và phát triển môn phái mạnh mẽ.
Có mấy điểm mà chúng tôi ghi nhớ mãi về Võ sư Chưởng môn Lê Sáng.
-Ông là một nhà võ có căn bản thể chất vững chắc lồng trong một tinh thần hài hòa, cới mở nhưng quyết đoán, cương nhu phối hợp. Sức khỏe sung túc, dọng nói sang sảng, ý tưởng không thừa không thiếu, luôn luôn nở nụ cười trên một gương mặt phúc hậu với chòm râu độc đáo, ông dễ lôi cuốn sự cảm mến của nhiều người.
-Có tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là với môn phái Vovinam. Trong cuộc đời của ông, ông luôn luôn tâm niệm con người cũng như các võ sinh phải “Sống cho mình, giúp cho người khác sống và sống cho mọi người”.
-Không quản ngại khó khăn để phát triển môn phái như thời kỳ đầu ở miền Bắc Việt Nam, nhất là từ sau biến cố 1975. Cũng như nhiều công dân Việt Nam Cộng Hòa khác, ông cũng bị đi tù đầy gọi là cải tạo nhiều năm tại nơi đèo heo, nguy hiểm cả chục năm. Ra khỏi tù, ông có nhiều cơ hội để sinh sống tại nước ngoài, tự do đầy đủ hơn, nhưng ông đã chọn ở lại để lèo lái con thuyền Vovinam. Tại các quốc gia độc tài toàn trị, chính quyền bao giờ cũng chủ trương tập trung mọi sinh hoạt của người dân trong vòng kiểm soát của họ. Sự liên tục hiện diện của võ sư chưởng môn tại quê hương đã một phần nào là trở ngại cho ý định này của chính quyền. Trong khi đó thì võ sư luôn luôn theo dõi khích lệ các môn sinh tại hải ngoại. Ngày nay, Vovinam đã hiện diện tại khắp nơi với Liên đoàn Vovinam Thế giới. với sự tham gia của Vovinam tại các cuộc biều diễn có tính cách quốc tế.
-Độc thân sống rất bình dị và cởi mở cho nên ông dễ dàng có nhiều thân hữu.
Chúng tôi có may mắn gặp ông trước năm 54, khi cùng theo học lớp bổ túc Pháp văn của Giáo Sư Đào văn Tập. Nhỏ tuổi hơn ông tới hơn một giáp, tôi tò mò hỏi ông đang làm gì, ông cười trả lời “Xỉa răng cọp”. Ngây ngô chẳng biết gì, tôi ngỡ là ông làm ở sở thú. Ông cười xòa giải thích, là thất nghiệp, vào sở thú xỉa răng cho cọp. Thực ra khi đó ông đang bận rộn cùng võ sư Nguyễn Lộc mở mang Vovinam ở Hà nội.
Vào Nam, chúng tôi ở cùng đường, đấu phố cuối phố, qua lại với nhau. Trong thời gian 4 năm với chức vụ dân cử tại Hội Đồng Đô Thành Sài Gòn- Chợ Lớn, tôi được ông xếp vào danh sách cố vấn đoàn, để tiếp tay liên lạc với chính quyền khi cần.
Những năm gần đây, mỗi khi về Việt Nam, chúng tôi vẫn ghé thăm võ sư chưởng môn tại trụ sở đường Sư Vạn Hạnh, Sài gòn. Võ sư vẫn sống thanh đạm trên căn phòng nhỏ ở lầu ba trụ sở, phía ngoài là bàn thờ Tổ quốc, linh vị hình ảnh sáng tổ Nguyễn Lộc. Vẫn với chiếc giường đơn, quần áo giản dị, đôi dép kéo lê và tinh thần quả cảm tự tin, võ sư chưởng môn vui vẻ với đời sống, với trách nhiệm của mình.
Một điều khác cũng cần ghi nhớ thêm là ngoài võ thuật cao cường, chưởng môn Lê Sáng còn là một nhà lý luận, nhà văn nhà thơ với bút hiệu Quang Vũ hoặc Huy Vũ. Thơ của ông rất sảng khoái, nhiều tình cảm và một số đã được phổ nhạc. Xin đan cử một bài rất sảng khoái:
” Thiên nhiên không hề nói
Bốn mùa cứ vần xoay
Vạn vật luôn đổi mới
Trong vòng quay đêm ngày
Cảm ứng trước đạo Trời
Sống trọn nghĩa làm người
Đến chấp nhận thử thách
Đi không chút ngậm ngùi
Của thế gian để lại
Phủi nhẹ bàn tay không
Hồn lâng lâng sảng khoái
Vượt muôn trùng mênh mông.”
Đặc biệt là những suy tư về cuộc đời về nếp sống mà ông đã nêu ra.
Trong một tâm thư hồi tháng 5 năm nay gửi môn sinh Vovinam ở nước ngoài võ sư Lê Sáng có nhắc nhở anh em như sau:
“SỰ LIÊN KẾT hoạt động của các môn đồ sẽ tạo nên sức mạnh cho môn phái, một tổ chức có sức mạnh không thể có nhiều lãnh đạo, mà chính là vì mỗi thành viên thực hiện tốt nhất vai trò của mình, đóng góp tích cực nhất ở góc độ của bản thân cho sự nghiệp chung. THÀNH TÍCH của cá nhân là nhỏ, mà THÀNH CÔNG của tổ chức mới thật sự là vinh dự. Cho nên tập thể các võ sư – huấn luyện viên Vovinam chúng ta nên phải xả kỷ và cảm thông với người khác, chúng ta cùng kề vai sát cánh trong mái nhà chung Việt Võ Đạo trong tinh thần DUNG NHÂN và HOÀ ÁI”.
Với cuộc sống, ông quan niệm có hai cách sống: Sống yêu cuộc sống và Sống bám viú lấy cuộc sống.
“Sống yêu cuộc sống là sống với tất cả lòng nhiệt thành, hăng say, ưa hoạt động của con người muốn sống cho ra sống, muốn hưởng được hương vị và ý nghĩa của cuộc sống, tức những con người muốn sống thỏa hiệp với mọi người, cùng với mọi người làm việc, đấu tranh và xây dựng, luôn luôn hướng về đích sống cao đẹp: phục vụ con người.
Sống bám víu lấy cuộc sống là sống với tâm trạng của kẻ “Sinh bất phùng thời”. Bất mãn với cuộc sống mà không cách nào vượt thoát ra ngoài cuộc sống được. Do đó, họ tự tạo ra những nhu cầu giả tạo, rồi tự dối mình, chạy theo ảo ảnh, làm nô lệ cho lòng tham dục của họ. Họ lạc lõng, bơ vơ trong cuộc sống. Họ chán sống mà cũng không dám chết. Họ ngụp lội trong lầy lụa, trong khổ đau mà vẫn bám lấy cuộc sống.
Vậy muốn sống yêu cuộc sống, trước hết chúng ta phải tu tâm, rèn thể, phải làm cho mình trở nên con người hữu dụng, phải luôn quan tâm hành vi, tư tưởng hằng ngày của mình, phải tìm hiểu và suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống và cái giá trị đích thực của con người trong cuộc sống”.
Đây là những bài học mà cá nhân chúng tôi cần phải noi theo.
Xin cảm ơn những bài học quý giá của Võ sư Chưởng môn Lê Sáng. Xin tạm biệt người anh cả và kính chúc hương hồn anh tiêu diêu miền vĩnh hằng.
Chúng em sẽ luôn luôn ghi nhớ hình ảnh quắc thước, kiên cường với nụ cười nhân hậu dễ thu phục lòng người và hàm râu cước bạc rất đặc biệt, đôi mắt tinh sáng của anh.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas-Hoa Kỳ
(Nhân dịp môn sinh Vovinam Dallas Fort Worth bái biệt Võ sư Chưởng môn ngày 9 tháng 10 2010)
E-Mail của bạn:
‘hutruc@live.
3. Góp ý cho bài ? :
‘Bái Biệt Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng’
Góp ý, Phê bình::
‘Tôi cũng từng là một Việt Võ Đạo Sinh Vovinam, lâu quá rồi, trước năm 1975 kia, chứ sau này thì không có dịp. Lần đầu tiên tôi được thấy Võ sư Lê Sáng, là khi ông đến thăm trường Trung Học mà tôi đang học, ông mặc bộ đồ bốn túi màu xám, ngồi trên chủ tọa đoàn cùng các vị Hiệu trưởng, giám học, giám thị và các giáo sư xem biểu diễn võ Vovinam, ông xem nhưng bình lặng, mọi người vỗ tay, nhưng ông chẳng vỗ tay theo. Chỉ một lần ấy thôi, rồi tôi chẳng có dịp thấy ông một lần nào khác, ngoài tin tức. Nhưng một lần ấy để rồi, lớp học võ được mở ra và một số học sinh bắt đầu gia nhập học để tập quyền cước, với bộ đồ màu xanh dương, với kiểu chào thật là đặc biệt, “Bàn tay thép, trên trái tim từ ái”, thật ra trước khi khoác bộ đồ màu xanh ấy, tôi cũng đã từng tập Vovinam, do cán bộ phát triển Nông thôn dạy cho mấy những thiếu niên trong phố, với bộ đồ màu đen. Bây giờ là Việt Võ Đạo sinh chính thức với đồng phục, và mỗi lần thi lên đai lại phải học bài vấn đáp, mà mỗi câu trả lời với mấy chữ bắt đầu Việt Võ Đạo sinh, lúc ấy mới mười ba mười bốn tuổi. Hơn ba mười năm rồi, tuy không tập võ, và chẳng nhớ gì nhiều, ngoài một vài thế, và tên bài quyền đầu tiên là “Thập tự quyền”. Các huấn luyện viên trong đồng phục màu xanh Vovinam, vẫn là các cán bộ phát triển nông thôn với huy hiệu trên đồng phục, tôi từng học trong lớp áo màu đen với Anh Quốc, người thon ốm, người cùng trong phố nên cũng thỉnh thoảng gặp nhau. Và khi khoác áo đồng phục thì học với huấn luyện viên Sơn Khê, người phốp pháp, với cái bụng to, tôi nhớ hình ảnh Võ sư Lê Sáng khi tôi thấy lấn đầu tiên và duy nhất hình như cũng có cái bụng to như vậy. Nghe thấy tin tức ngày nay Vovinam Việt Võ Đạo phát triển trên nhiều nước Âu Mỹ. Mình cũng có một ít tự hào với “Bàn tay thép trên trái tim từ ái” của một môn võ thuần dân tộc . Ấy cũng là nhờ sự dẫn dắt của Võ sư đệ nhị chưỡng môn Lê Sáng. Cầu nguyện Võ sư về cõi an lành.
Cung kính
Hư Trúc’