Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Bệnh Vab Tim


Hôm vừa rồi, cháu mới được bác sĩ cho biết cháu bi hở cà 4 van tim từ ít tới trung bình. Xin Bác sĩ cho cháu biết hở van tim có ảnh hưởng tới sức khỏe không? Các triệu chứng nào cần phải quan tâm? Hở van nào thì nguy hiểm (cháu bị hở lớn ở van 2 lá và van động mạch chủ). Tải sao lại bị hở? Chỗ hở có lớn dần với thời gian? Có cách nào làm nhỏ bớt hoặc ngưng lại chỗ hở (vì bác sĩ của cháu nói khi nào hở lớn hơn thì phải giải phẩu thay van khác). Cháu rất hay bị nhói đau ngay trái tim dù cả lúc đang nằm ngủ. Còn làm việc gì thì rất mau mệt, đi bộ thôi cũng thở hổn hển như người chạy việt dã vậy. Bs gia đình thì nói nếu thấy mệt quá, hoặc khó thở thì vào nhà thương, nhưng cháu chẳng biết thế nào là quá. Cháu thường chỉ ở nhà một mình, nếu thấy mệt thì chỉ nằm nghỉ thôi.
Cám ơn bác sĩ rất nhiều,
Kính thư
Châu Vũ”

Trên đây là email của cháu Châu Vũ ở Việt Nam hỏi về bệnh tim. Đã trả lời cho cháu qua đài phát thanh VOA, nhưng vì thời gian giới hạn, cho nên có bài bổ túc này để Vũ hiểu tường tận hơn. Và cũng để gửi tới đồng hương gần xa về Bệnh của Van Tim.
Cấu tạo tim
Tim đựoc ví như một cái bơm, bơm máu đi nuôi cơ thể. Tim co bóp liên tục ngày đêm từ 80.000-100.000 nhịp mỗi ngày đồng thời bơm ra khoảng 9000 lít máu.
Các cơ của tim rất mạnh và bền bỉ. Khi co bóp, tim đẩy máu vào các động mạch. Khi cơ thư giãn, máu tử tĩnh mạch chẩy vào tim..
Tim có 4 ngăn: Tâm nhĩ trái và phải ở trên và tâm thất trái và phải ở dưới. Để tim hoạt động hữu hiệu, các ngăn này phải phối hợp co bóp một cách nhịp nhàng đồng điệu.
Máu ra vào tim theo một vòng kín:
Máu đỏ chứa nhiều oxy từ phổi theo tĩnh mạch phổi về nhĩ trái, xuống thất trái rồi vào động mạch chù ra nuôi cơ thể.
Máu đen chứa nhiều CO2 từ cơ thể theo tĩnh mạch chủ về nhĩ phải, xuống thất phải rồi theo động mạch phổi lên phổi để thải CO 2 và nhận oxy.
Có 4 cái van hướng máu đi theo một chiều nhất định mà không dội ngược dòng, chẳng khác chiếc hom của giỏ đựng cua. Cua đựoc bỏ vào giỏ từ trên xuống dưới mà không bò ngược lên trên, chốn ra khỏi giỏ.
Van 3 lá tricuspid giữa nhĩ phải/thất phải;
van phổi giữa thất phải/ động mạch phổi;
van 2 lá mitral giữa nhĩ trái/thất trái và
van chủ giữa thất trái và động mạch chủ.
Van mở hoặc đóng tùy theo áp xuất ở trước và sau van.
Máu dội ngược dòng khi van không đóng kín khiến cho máu phía bên kia ứ đọng. Van không mở rộng cũng khiến cho máu dư một bên mà thiếu một bên. Tim sẽ phải co bóp nhiều hơn, lâu ngày tim phình, tim mệt, tim suy.
Bệnh của van
Bệnh của van có thể là hở (regurgitation), chít hẹp ( stenosis) hoặc teo (atresia).
-Hở là khi các lá của van không khép kín sau khi máu đi qua, khiến cho máu dội ngựơc gây ra ứ đọng phía bên này và thiếu hụt phía bên kia. Sa van (valve prolapsed) là tiêu biểu của hở van và thường xảy ra ở van 2 lá mitral. Các lá của van lật ngược lên tâm nhĩ trái, máu trào ngược khi tim co bóp.
-Chít hẹp khi van không mở rộng khiến cho máu không xuống hết, máu tụ phía bên kia mà bên này lại thiếu.
-Teo khi van không có cửa mở để máu lưu thông.
Bệnh có thể thấy ở một hoặc nhiều van. Van bên phải ít bị bệnh hơn van bên trái. Có tới 90% là mãn tính lâu đời, 10% cấp tính, mới xảy ra.
Có nhiều nguyên nhân đưa tới bệnh van tim như nhiễm trùng, chấn thương, bệnh cơ tim hoặc do bẩm sinh.
1-Nhiễm trùng như trong bệnh Sốt Thấp (Rheumatic Fever) hoặc Viêm Nội Mạc Tim (Endocarditis).
Sốt Thấp thường thấy ở trẻ em do nhiễm họng với chuỗi cầu trùng tan huyết Streptococcus (Strep Throat) mà không được điều trị. Thế rồi vài ba chục năm sau xuất hiện dấu hiệu bệnh tim như là viêm, dày, cứng và thu ngắn các lá của van tim, nhất là van 2 lá giữa nhĩ trái/thất trái (mitral regurgitation) và van động mạch chủ. May mắn là ngày nay nhờ kháng sinh chữa viêm họng cho nên bệnh hở van tim giảm đi rất nhiều.
Viêm Tâm Mạc do vi khuẩn xâm nhập máu, tấn công van tim gây ra tổn hại tạm thời hay vĩnh viễn cho van. Vi khuẩn đến từ các phẫu thuật răng miệng, lạm dụng thuốc cấm chích tĩnh mạch hoặc nhiễm trùng tổng quát khác.
2-Bệnh tim do cao cholesterol, cao huyết áp, không vận động, thừa kế gia đình. Các bệnh này gây tổn thưong cho van đặc biệt là van động mạch chủ với calci bám vào. Người từ 65 tuổi trở lên thường nằm trong trường hợp này.
3-Bẩm sinh như trường hợp hài nhi chỉ có 2 lá ở van động mạch chủ (thay vì 3 lá) hoặc có 3 lá nhưng 2 lá dính vào nhau.
Triệu chứng
Nhiều người mang bệnh van tim mà không có triệu chứng và không có khó khăn sức khỏe. Một số khác thì tình trạng trầm trọng hơn, có thể đưa tới suy tim, tai biến não, máu cục thậm chí thiệt mạng bất thình lình vì ngưng tim.
Triệu chứng chính của bệnh là tiếng thổi của tim (heart murmur) nghe qua ống nghe, gây ra do máu lưu hành hỗn loạn khi van tim bị hư hại, khuyết tật, thu hẹp…Đây là tiếng động thêm hoặc bất thường khi tim co bóp, có thể rất nhỏ hoặc ồn to.
Các triệu chứng khác gồm có:
-Mệt mỏi bất thường
-Thở hụt hơi nhất là khi cố sức hoặc nằm.
-Phù sưng chân, cổ chân, bàn chân, bụng
-Chóng mặt quay cuồng, rối loạn nhịp tim.
Không được theo dõi, điều trị, bệnh van tim có thể đưa tới suy tim, cao áp xuất và phù nề phổi, rối loạn nhịp tim, huyết cục, tai biến não.
Điều trị
Điều trị bệnh van tim tùy thuộc loại van bị hư, tình trạng nặng hay nhẹ của bệnh. Có 3 phương thức trị liệu:
1-Theo dõi tình trạng bệnh.
Trường hợp bệnh nhẹ hoặc trung bình, chưa có các triệu chứng trầm trọng ảnh hưởng tới hoạt động của bệnh nhân, bệnh có thể được đặt trong tình trạng theo dõi. Bác sĩ sẽ làm các thử nghiệm để quan sát diễn tiến bệnh, đưa ra các hướng dẫn để giảm thiểu biến chứng. Bệnh nhân cũng cần thay đổi nếp sống sao cho thích hợp với bệnh tình.
2-Điều trị bằng dược phẩm
Thực ra không có dược phẩm nào để trị dứt được bệnh của van tim mà chỉ hỗ trợ tim, giúp tim làm việc hữu hiệu hơn, trì hoãn sự trầm trọng của bệnh, tránh biến chứng. Dược phẩm có thể là thuốc lợi tiểu, hạ cao huyết áp, điều chỉnh rối loạn nhịp tim, chống đông máu…Cần một bác sĩ chuyên môn tim mạch chăm sóc thường xuyên.
3-Giải phẫu
Tùy theo tình trạng bệnh, giải phẫu có thể là nong van, sửa van hoặc thay van.
-Nong van bị hep với quả bóng xẹp bé tí teo đưa vào van rồi bơm phồng lên, khiến cho van mở rộng rồi rút bóng ra. Được áp dụng trong vài loại bệnh của van, thay cho việc đặt van mới.
-Sửa van, đặc biệt là van 2 lá mitral, để van hư hao hoạt động bình thường trở lại đựơc.
-Thay van với 2 loại van:
*Van làm bằng các vật liệu như vải, kim loại thép không rỉ, titanium hoặc gốm sứ.Lợi điểm của loại này là kéo dài lâu hơn, từ 10-20 năm. Tuy nhiên bệnh nhân phải uống thuốc chống đông máu suốt đời để tránh huyết cục ở tim hoặc trên van.
**Van làm bằng tế bào người hoặc súc vật như heo, bò, dùng được từ 10 -15 năm nhưng bệnh nhân có thể không phải uống thuốc chống đông máu.
Sau khi ổn định với điều trị, bệnh nhân tiếp tục cần được bác sĩ theo dõi. Báo cho bác sĩ nếu có thay đổi, biến chứng bất thường. Uống thuốc theo đúng chỉ định. Giữ hẹn với bác. Thay đổi nếp sống sao cho thich hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas-Hoa Kỳ.
www.bsnguyenyduc.com

Comments are closed