Đó là quảng cáo của một phụ nữ muốn cho thuê tử cung của mình để người khác sử dụng vào việc mang thai. Người khác có thể là một cặp vợ chồng đã cố gắng nhiều năm mà vẫn không có con, một cặp nam đồng tính muốn con nối dõi tông đường, thậm chí một nữ nhân thèm con mà không muốn mang nặng đẻ đau, da bụng nhăn nheo chùng dãn…
Phụ nữ mang thai hộ được gọi là Mẹ-Thay-Thế, tiếng Anh là Surrogate Mother.
Thay thế có thể là toàn phần khi trứng và tinh trùng do cặp vợ chồng cung cấp; bán phần khi dùng trứng của phụ nữ cho thuê. Có ghi nhận cho là hình thức bán phần này đã được áp dụng vào trước thời kỳ nội chiến tại Hoa Kỳ, khi mà phụ nữ nô lệ được dùng để mang thai cho ông chủ. Sinh con, con thuộc về chủ nhân ông.
Tử cung là bộ phận tối cần thiết để ấp ủ cưu mang thai nhi từ khi trứng và tinh trùng thụ tinh cho tới khi lâm bồn.
Kể từ khi khoa học thực hiện được thụ thai nhân tạo và trong ống nghiệm vào năm 1978, thì việc giao hợp để có thai bước sang một ngõ quặt nhỏ. Lý do là sau khi được kết hợp nhân tạo thì phôi bào có thể được đặt vào dạ con của bất cứ nữ nhân nào đó.
Vì mới mẻ, mang thai hộ vẫn còn nhiều tranh cãi. Liệu thay thế như vậy có là khai thác người phụ nữ hoặc biến họ thành một thứ tiện nghi, bán con? Cơ đốc giáo kết tội là can thiệp vào sự kỳ diệu của đời sống. Một số phụ nữ coi làm mẹ thay thế như là bán thân nuôi miệng. Một vài nhà y học nghiêm khắc lại coi như môi giới buôn bán trẻ em ăn hoa hồng…
Tuy vậy, đã có những cơ sở y tế, trung gian môi giới mẹ tạm thời. Mẹ được trả hiện kim cho việc mang thai, có khi là dăm bảy chục ngàn tiền đô cho tới khi “mẹ tròn con vuông”, giao hài nhi cho mẹ sinh học thực thụ. Công việc kể cũng nhàn mà lại có tính cách nhân đạo, giúp người có khó khăn.
Tại Hoa Kỳ, mới có 4 tiểu bang Texas, Illinois, Utah và Florida hợp pháp hóa mẹ thay thế và một số tiểu bang khác đang có chiều hướng chấp thuận.
Trên thế giới, đa số các quốc gia đều chưa cho phép, cho nên nhiều người từ Pháp, Canada, Nhật, Saudi Arabia, Do Thái, Úc châu, Tây Ban Nha, Dubai…đều tới Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề vô sinh. Ấn Độ là quốc gia lý tưởng vì chi phí cho mẹ thay thế nơi đây rất thấp.
Nhưng vấn đề pháp lý xã hội đã xảy ra, đó là tranh chấp về quyền làm mẹ.
Như trường hợp bà Mary B. Whitehead ở New Jersey đồng ý làm mẹ thế với tinh trùng của William Stern, khi sanh thì lại quyết định giữ con, không nhận tiền thù lao. Cảnh sát phải can thiệp, bắt trao trả con cho cặp vợ chồng ông Stern.
Tại Hoa Kỳ, chưa có luật lệ về dịch vụ làm mẹ như thế này, cho nên đôi bên cần thảo luận và xác định các điều kiện rõ ràng để tránh “đáo tụng đình”.
Cẩn tắc vô ưu mà, bà con nhỉ.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức