Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Ý kiến thứ hai

Ý kiến thứ hai

 

Chào bác sĩ

Vợ tôi bị bệnh sỏi túi mật, lâu lâu mới đau bụng một lần. Bác sĩ nói có thể để đó theo dõi xem bệnh tình có trầm trọng thì hãy mổ. Chúng tôi rất phân vân. Bạn tôi nói nếu lo ngại thì đi hỏi thêm ý kiến bác sĩ khác.

Xin bác sĩ cho biết có nên làm như bạn tôi nói không?

Cảm ơn Bác sĩ.

Quốc Bình

 

Thưa ông,

 

Lấy ý kiến thứ hai khi mình có bệnh mà chưa biết rõ là bệnh gì cũng như điều trị ra sao là việc thường xảy ra bây giờ. Lý do là càng có nhiều ý kiến có tính cách xây dựng của các bác sĩ chuyên môn thì càng yên tâm hơn. Sự tìm hiểu thêm này có thể là từ sách báo, internet nhưng thường thì với các bác sĩ chuyên môn khác. Xin góp ý kiến như sau.

 

Việc lấy ý kiến thêm (Second Opinion), là chuyện được nói tới khá nhiều ở mọi quốc gia. Ấy vậy mà kết quả thăm dò cho biết hàng năm chỉ có 20% bệnh nhân làm công việc có tính cách hỗ trợ, quyết định về bệnh tình của mình.

 

Lấy ý kiến thứ hai (hoặc thứ ba…) có thể  do bệnh nhân hoặc thân nhân yêu cầu, đôi khi cũng từ bác sĩ, khi vị này có khó khăn trong chữa trị, chẩn đoán.

 

Các trường hợp cần phải xin ý kiến thứ hai.

 

-Khi chính bác sĩ đang điều trị cho mình nêu ra, vì căn bệnh ngoài chuyên môn của vị này.

-Khi bác sĩ đề nghị một giải phẫu không khẩn cấp. Trong trường hợp này, công ty bảo hiểm cũng đòi phải có ý kiến thứ hai

-Khi không được bác sĩ giải thích tường tận về bệnh của mình

-Khi mình không thỏa mãn với lời giải thích của bác sĩ điều trị

-Có một bệnh hiếm chưa được hoặc đã được xác định

-Có hơn một phương thức điều trị bệnh đó được nêu ra.

-Bác sĩ điều trị không biết mình đau bệnh gì.

-Bệnh nhân muốn có phương thức trị liệu mà bác sĩ của mình không nắm vững. 

-Khi đang bị một bệnh trầm trọng, bệnh nhân cần quyết định xem nên chấp nhận hoặc từ chối phương thức điều trị mà bác sĩ đề nghị.

-Ý kiến thứ hai giúp ta yên tâm là mình đã quyết định đúng.

-Lấy ý kiến thứ hai từ các bác sĩ có kinh nghiệm hơn về bệnh của mình.

-Ý kiến thứ hai có thể giúp mình và bác sĩ điều trị an tâm về phương thức trị liệu đang hoạch định

-Lấy ý kiến thứ hai giúp ta hiểu biết nhiều hơn về phương thức trị liệu mới

-Lấy ý kiến thứ hai đôi khi cần làm đối với vài loại bệnh hoặc kỹ thuật chữa trị, sàng lọc bệnh. Bảo hiểm đôi khi chỉ trả một nửa hoặc không bồi hoàn nếu không lấy ý kiến thứ hai.

-Khi sẽ phải trải qua giải phẫu lớn hoặc tái giải phẫu.

-Khi gặp khó khăn thảo luận với bác sĩ điều trị.

-Bệnh tình không khá hơn với trị liệu đang theo.

-Có quá nhiều bệnh một lúc.

 

àKhi đã quyết định lấy ý kiến thứ hai, nên xin hồ sơ bệnh lý, kết quả thử nghiệm để mang cho bác sĩ thứ hai coi. Bệnh nhân phải ký nhận đồng ý chuyển hồ sơ.

 

Cần làm gì khi tới bác sĩ thứ hai?

Khi tới bác sĩ thứ hai, nên chuẩn bị sẵn các điều muốn hỏi như là:

 

-Liệu bệnh của mình có thể có chẩn đoán khác

-Có cách chữa nào khác không

-Kết quả sẽ ra sao nếu trì hoãn hoặc không điều trị

-Rủi ro của điều trị như thế nào

-Điều trị có kéo dài hoặc nâng cao đời sống không

-Bao lâu sau điều trị thì bình phục

-Tại sao ý kiến thứ nhì lại khác với ý kiến trước.

 

Theo các nhà chuyên môn y học Hoa Kỳ, năm bệnh thường được hỏi ý kiến là

1-giải phẫu nối động mạch tim (heart bypass surgery),

2-cắt bỏ tử cung,

3- dứt thai kỳ vì thai nhi bất bình thường,

4-giải phẫu giãn tính mạch,

5-điều trị u bướu não.

 

Vì các phương pháp này đôi khi được thực hiện khi không cần thiết, kỹ thuật quá phức tạp hoặc chẩn đoán không chính xác.

 

Tóm lại, lấy ý kiến thứ hai có lợi điểm là giúp bệnh nhân có thêm hiểu biết về bệnh tình, về phương thức chữa trị để lựa chọn và nhờ đó họ an tâm tích cực hơn trong việc tự chăm sóc.

 

Trước khi yêu cầu ý kiến thứ hai, nên coi lại xem giữa mình và bác sĩ đã có sự đối thoại, giải thích rõ ràng chưa. Nếu là chưa thì mình cứ nhẹ nhàng hỏi thêm, cho ra lẽ. Thường thường thì các vị lương y cũng không đến nỗi quá khó tính,  không muốn mích lòng con bệnh và cũng không muốn thấy mấy ngài trạng sư gửi thư hỏi thăm.

Các cụ ta vẫn nhắc nhở

“Lời nói chẳng mất tiền mua”.

Đôi bên nên nhẹ nhàng hỏi đáp thông cảm với nhau để duy trì tình nghĩa con bệnh-thầy thuốc ngày càng thêm thắm thiết.

Hy vọng các góp ý này giúp ông bà giải quyết được mối e ngại đang có.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Comments are closed