Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

BỘT NGỌT

Hỏi 

Thưa bác sĩ Nguyễn Ý Đức,

Tôi nghe nói bột ngọt khi ăn nhiều có thể gây ra lú lẫn, nhức đầu, buồn nôn và bệnh tim, không biết có đúng không. Xin bác sĩ cho biết ý kiến nhé.

Lê Thị Chín

 

Đáp

Thưa bà, vấn đề an toàn của bột ngọt chưa được hoàn toàn sáng tỏ và có nhiều ý kiến khác nhau về tác dụng tốt xấu.

 

Trong khi các nhà sản xuất bột ngọt công bố kết quả nhiều nghiên cứu cho rằng bột ngọt an toàn khi dùng theo liều lượng do họ chỉ dẫn. Nhưng họ cũng thừa nhận rằng có nhiều người mẫn cảm với bột ngọt.

 

Tại Hoa Kỳ, Cơ Quan Thực Phẩm và Dược Phẩm nhận được nhiều than phiền về bột ngọt. Năm 1959, cơ quan đã xếp bột ngọt vào danh sách các “chất được coi một cách chung chung như an toàn” cùng với các gia vị khác như muối, giấm, bột nở. Bột ngọt được cho phép dùng trong kỹ nghệ thực phẩm từ năm 1963.

 

Vì dân chúng quá quan tâm, cho nên cơ quan này mướn một tổ chức chuyên về nghiên cứu để kiểm tra kết quả của cả trăm tường trình khoa học về tác dụng xấu tốt của bột ngọt. Tổ chức này đưa ra các nhận xét như sau:

 

a. Một số người có thể phản ứng với bột ngọt và có một vài dấu hiệu phức tạp như sau: Cảm giác nóng bỏng ở sau cổ, ngực và cánh tay; cảm giác tê ở gáy, chạy xuống tay và lưng; châm nhói, nóng trên mặt, thái dương, lưng, gáy và tay; đau nơi ngực; nhức đầu, buồn nôn; tim đập nhanh; khó thở; buồn ngủ, yếu sức;

 

b. Ở người khỏe mạnh mà không dung nạp được với bột ngọt, các dấu hiệu trên xảy ra khoảng một giờ sau khi tiêu thụ từ 3g MSG trở lên, nhất là khi đói, không ăn thực phẩm;

 

c. Bị bệnh suyễn nặng có thể khiến các dấu hiệu trên dễ dàng xảy ra;

 

d. Không có bằng chứng nào về việc bột ngọt là rủi ro đưa tới bệnh sa sút trí tuệ, hoặc các bệnh kinh niên;

 

e. Chưa có bằng chứng nào về việc bột ngọt làm tổn thương tế bào thần kinh ở loài người…

 

Kết quả này dường như thỏa mãn quan điểm của cơ quan y tế nhưng nhiều người vẫn cho là bột ngọt có tác dụng không tốt cho sức khỏe. Họ đòi hỏi có nhiều nghiên cứu rộng rãi, khách quan hơn.

 

Cơ quan y tế vẫn duy trì lập trường: khi dùng lâu, nhưng vừa phải, từ 0.1 tới 0.3% trọng lượng món ăn, bột ngọt không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người.

 

Các nhà dinh dưỡng trên thế giới khuyên rằng nên hạn chế bột ngọt chừng nào hay chừng nấy và không cho trẻ em dưới sáu tuổi dùng.

 

Ngoài ra, theo quy luật, bất cứ món ăn nào có bột ngọt đều phải được ghi trên nhãn hiệu để công chúng biết mà đề phòng. Bột ngọt hiện nay đã được pha thêm vào nhiều thực phẩm, kể cả vài loại nước uống chế biến hoặc rau trái cây tươi, khô.

 

Cũng nên lưu ý rằng bột ngọt có một số muối sodium, nên người bị cao huyết áp, bệnh thận hoặc tim cần lưu ý.

 

Ngoài ra cũng nên biết rằng một số bột ngọt trên thị trường được pha trộn với một vài chất có thể gây ra rủi ro cho người tiêu thụ, chẳng hạn như hàn the và phèn. Các chất này có thể gây kém ăn, mất ngủ, tổn thương cho dạ dày. Nếu dùng nhiều có thể đưa tới nhiều bệnh khác như ung thư bàng quang, teo tinh hoàn… Hàn the đã bị cấm dùng trong thực phẩm trên khắp thế giới.

 

Mặt khác vì bản thân bột ngọt không làm tăng chất dinh dưỡng cho món ăn, nên nếu thường xuyên dùng bột ngọt thay thế cho các chất đạm của thịt cá, rau trái sẽ đưa tới thiếu các chất dinh dưỡng căn bản và cơ thể suy yếu.

 

Nói tóm lại, nên sử dụng hạn chế bột ngọt ở mức độ càng ít càng tốt, và không nên cho bột ngọt vào thức ăn của trẻ em dưới sáu tuổi.

 

Hy vọng những ý kiến này thỏa mãn tìm hiểu về bột ngọt của bà. Chúc bà và gia đình mọi sự bình an.

 

 

Comments are closed