Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

MỔ XƯƠNG

Hỏi 

Kính thưa bác sĩ, hôm nay đến phiên tôi làm phiền bác sĩ, xin bác sĩ vui lòng đọc dùm bức thư của tôi và cho tôi xin ý kiến, bởi vì tôi không biết hỏi ai để tự quyết định cho mình.

– Tôi tên là Lê Khanh (Houston)

 

Năm 12 tuổi (ở VN) tôi bị té, tôi đau đớn rên la suốt ngày, tôi có bị liệt một thời gian, sau đó tôi may mắn được gặp bác sĩ Trần Ngọc Ninh, vị bác sĩ nổi tiếng về xương sống ở Sàigòn trước 75 chữa trị cho tôi. Bác sĩ bảo tôi bị “mal de pott”. Việc chữa trị kéo dài khoảng từ 2 đến 3 năm, bác sĩ đã giải phẫu xương sống cho tôi đồng thời cho tôi dùng streptomycine và uống isoniazid mỗi ngày, tôi phải mang cái áo bột trong thời gian chữa trị, cứ 6 tháng cắt ra và băng lại. Lúc giải phẫu bác sĩ có nói với cha mẹ tôi rằng: sẽ cắt lấy một mẩu xương ở ống chân của tôi để ghép vào đốt xương đã bị vi trùng ăn mòn, nhưng không hiểu sao bác sĩ không lấy mẩu xương nào cả, ông ta chỉ làm cho 3 hay 4 đốt xương sống ở thắt lưng của tôi dính với nhau để có sức chống đỡ cho nguyên cả cột sống của tôi.

 

 Sau hai ba năm chữa trị, bác sĩ bảo tôi đã lành hẳn, ông ta cho tôi về, nhưng bác sĩ có nói một câu “Sau nầy lúc về già cô sẽ bị đau rất nhiều” lúc đó tôi mới 13-14 tuổi, được ra về đi học lại tôi mừng quá, nên không hỏi bác sĩ lý do tại sao.

 

Sau đó, cuộc sống của tôi cũng bình thường, tôi cũng đi học, làm việc như mọi người và có gia đình, tôi sinh hai lần đều là cesarienne, đến năm 1998 tôi bị Hysterectomie, sau khi làm hysterectomie bác sĩ gyneco cho tôi uống hormone (premarin -0,6mg) bà ta bảo là tôi nhỏ con (chỉ có 40kg) vì sợ tôi té gãy xương, sau 10 năm, bà ta hạ dose xuống còn 0,3mg. Kể từ lúc giải phẫu xương sống, tôi sống bình yên trong vòng 50 năm, không hề bị đau đớn, tôi vẫn làm việc, nhưng tránh những việc nặng, có hại đến xương sống.

 

Sau thời gian menopause tôi cảm thấy hơi đau lưng, đi bác sĩ thì được biết là tôi bị xốp xương bác sĩ cho tôi: Actonel 5mg (mỗi ngày một viên) đồng thời bác sĩ gia đình cho tôi thuốc giảm đau: Tridural 100mg, và Celebrex 200mg (mỗi thứ một viên mỗi ngày)             

 

Song song với việc dùng thuốc, tôi tìm đến một vị bác sĩ chuyên khoa về xương. Tôi theo ông bác sĩ nầy đã gần hơn 8 năm, lúc đầu gặp ông ta, tôi có hỏi là trường hợp của tôi có cần giải phẫu lại hay không? Ông ta bảo là không cần, chỉ cần đi physiotherapie mà thôi, tôi theo được hai ba năm rất tốt.

 

Cách đây 3 năm, bà bác sĩ gyneco của tôi bảo là nên dừng hẳn, không dùng Premarin nữa, vì tôi dùng đã quá lâu, trong thời gian ngưng dùng thuốc Premarin, cơn đau kéo đến dữ dội với xương sống của tôi, dù có uống thuốc giảm đau, vẫn không bớt. Tôi tìm gặp bác sĩ orthopedie ở bệnh viện nhiều lần và xin ý kiến ông ta có nên giải phẫu hay không? Ông ta trả lời là: tôi không khuyên bà mổ, nếu khi nào cảm thấy đau quá không chịu nổi thì vào đây tôi sẽ mổ cho bà, không ai được cho ý kiến kể cả con cái, tôi phải tự quyết định mình tôi. Ông ta cho tôi biết là cuộc mổ sẽ kéo dài 5 giờ và có thể có những risques xảy ra như sau khi đặt chất metal và ốc vít vào, nếu cơ thể tôi không chịu: thì sau 3 tháng sẽ mổ lại, hoặc là nước có thể vào phổi. Còn nếu bình yên thì 2 tuần sẽ xuất viện.

 

Tôi đã xin mổ một hai lần rồi lại xin hoãn, tôi có dò hỏi rất nhiều người, người mổ xong thì tốt, có kẻ mổ xong 6 tháng vẫn nằm trên giường rên la vì đau đớn. Tôi không sợ chết, nhưng chỉ sợ xương sống của tôi như một căn nhà xây đã 100 năm, mình chỉ muốn sửa một chút xíu, khi khui ra nó đổ và mục nát tùm lum, lúc đó tôi không biết cái mổ sẽ kéo dài bao lâu? Và sẽ bị mổ lại bao nhiêu lần nữa, hoặc là tôi sẽ nằm trên giường một hai năm rên rỉ vì cơn đau hành hạ! khổ thân tôi và làm phiền con cái?

 

Kể từ tháng 03-2012 tôi xin bác sĩ  gyneco cho tôi uống lại Premarin. Cho đến hôm nay thì cơn đau của tôi giảm đi rất nhiều. Có khi tôi bỏ thuốc giảm đau cả 3 tháng, chỉ dùng massage. Tôi vẫn lái xe được, làm việc nhà nhẹ trong khả năng của tôi. Ngoại trừ lúc ngủ và đi ra ngoài, ở trong nhà lúc nào tôi cũng phải đeo: Lumbar Support, để giữ cho xương sống được thẳng và không bị đau.

 

Thư dài sợ bác sĩ đọc sẽ mệt và đau đầu. Tôi thành thật xin lỗi, vì không biết hỏi ai nên làm phiền bác sĩ, mong bác sĩ hỷ xả cho, xin bác sĩ cho tôi một lời khuyên, xin cám ơn bác sĩ rất nhiều.

 

Cầu chúc cho bác sĩ sức khỏe tốt, và gia đình nhiều may mắn.

 

Xin cám ơn bác sĩ.

 

Đáp

Thưa bà,

Premarin là một dạng thương mại của kích thích tố nữ estrogen được bào chế và thường được dùng để phòng ngừa bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh. Tác dụng phụ của Premarin cũng nhiều, nhẹ cũng có mà trầm trọng cũng có và chúng tôi chắc là các bác sĩ cho bà dùng Premarin trước đây là đã giải thích cặn kẽ cho bà rồi. Các nhà bào chế thường khuyên là không nên dùng quá lâu, như dăm năm, vì có thể đưa tới các bệnh hiểm nghèo nhưng hiếm như ung thư vú, tử cung, buồng trứng, huyết cục cũng như tai biến não.

 

Bệnh đau xương sống của bà xảy ra cũng từ lâu và đã qua nhiều lần điều trị và dường như chỉ có Premarin và vật lý trị liệu mới bớt đau. Bà đã làm hysterectomy và có thể bác sĩ cũng cắt bỏ luôn buồng trứng. Bây giờ, ngoài tác dụng phụ thường thấy còn rủi ro ung thư vú và stroke.

 

Với tuổi 68, rủi ro bị ung thư vú cũng không cao lắm và nếu có thì cũng mươi năm nữa, khi mà bà ở tuổi trên dưới 80.

 

Bà bị cao huyết áp và đây là rủi ro có thể đưa tới stroke nhiều hơn. Nếu bà giữ được huyết áp ở mức độ bình thường thì rủi ro của stroke có thể tránh được.

 

Bác sĩ gyneco cho bà dùng lại Premarin với liều lượng nhỏ mà bà thấy bớt đau thì đó cũng là giải pháp chấp nhận được. Vì như bà nói, chỉ Premarin mới giúp bà giảm đau. Vậy thì tôi nghĩ là bà cứ tiếp tục với liều nhỏ như vậy rồi để ý nếu có dấu hiệu khó khăn nào xảy ra thì cho bác sĩ hay rồi tìm cách đối phó.

 

Tôi cũng e ngại như bà nói, tuổi đã cao, xương sống đã bị bệnh lao mal de Pott bây giờ lại còn bị thoái hóa mà mổ bắt ốc thì cũng hơi phiền phức mà kết quả không biết sẽ ra sao.

 

Bà thử hỏi lại bác sĩ coi: mục đích mổ để làm gì? Bắt vít liệu có bớt đau không? Thành công bao nhiêu phần trăm? Risques của mổ là những gì? Hỏi để biết mà thôi.

Chúc bà mọi sự bình an.

 

Comments are closed