Hỏi
Chào bác sĩ Nguyễn Ý
Đức
Tôi có người nhà mới
từ Việt Nam về kể lại rằng bên đó đang có bệnh tay chân miệng gì đó, thấy nói
nguy hiểm lắm. Tôi cứ sợ là người này mang bệnh về bên đây. Bác sĩ vui lòng cho
tôi biết bệnh này là bệnh gì mà lạ vậy, ngày xưa khi còn quốc gia, tôi chưa từng
nghe nói. Và bệnh có hay lây không. Bên Mỹ có bệnh này hay không. Cảm ơn bác sĩ
nhé.
– Trần H (Plano)
Đáp
Thưa Ông,
Đúng như người nhà ông
nói, hiện nay bệnh gọi là Chân Tay Miệng đang xuất hiện tại Việt Nam, đặc biệt
là ở các tỉnh phía Nam như Sài Gòn, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Ninh Thuận,
Quy Nhơn, Đà Nẵng và sẽ xảy ra ở các tỉnh phía Bắc khi thời tiết ấm nắng. Bệnh
này rất hay lây ông ạ. Nếu người nhà của ông mà đến thăm các địa phương kể trên
thì cũng có thể bị lây bệnh, nhưng theo các nhà chuyên môn thì bệnh thường thấy
ở trẻ em hơn là người lớn. Hơn nữa nếu người nhà ông về bên đây cả mấy tuần rồi
mà không có dấu hiệu bệnh, thì tôi nghĩ là không bị lây.
Sau đây, tôi xin gửi
ông cũng như độc mấy hiểu biết về bệnh này, để bà con nếu có về Việt Nam hoặc mấy
quốc gia lân cận, biết để đề phòng.
Bệnh Chân Tay Miệng tiếng
Mỹ gọi là Foot-Hand- Mouth disease vì các triệu chứng chính của bệnh xuất hiện ở
các nơi này của cơ thể. Bệnh do virus, gây ra.
Bệnh xảy ra ở khắp mọi
nơi trên thế giới, theo mùa tại vùng có khí hậu ôn hòa nhiều nhất vào cuối Hè đầu
Thu. Vùng nhiệt đới bệnh có quanh năm. Ngay tại Hoa Kỳ cũng có bệnh nhưng hiếm
lắm. Tại các quốc gia yếu kém về kinh tế, trẻ đã bị nhiễm bệnh ngay từ tấm bé
trong khi đó tại nơi có nền kinh tế khá hơn thì bệnh xuất hiện trễ, ở tuổi
trung niên.
Tác nhân Enterovirus tập
trung trong đường ruột người bệnh và tồn tại trong phân từ 1-18 tuần lễ sau khi
lành bệnh, trong miệng từ 1- 4 tuần lễ. Virus cũng tìm thấy trong đất cát, nước,
rau, tôm cua và là nguồn lây lan bệnh qua ăn uống với thực phẩm nhiễm virus.
Triệu chứng:
Tay Chân Miệng có các dấu
hiệu đặc biệt ở miệng và chân tay.
Bệnh bắt đầu với cơn sốt
nhẹ, người bệnh thấy mệt mỏi, chán ăn uống. Vài ngày sau, trên da nổi lên những
chấm ban đỏ rất nhỏ, chừng vài mm. Các chấm này sẽ lớn lên thành mụn nước hoặc
mủ mầu trắng đục, hình bầu dục với viền mầu đỏ. Dấu hiệu trên da tập trung ở:
– Trong lòng bàn tay,
ngón tay
– Gan bàn chân, ngón
chân
– Hai bên miệng, lưỡi,
nướu răng, cuống họng có những vết loét lở.
– Bóng nước đôi khi có ở
hai bên mông hoặc các vùng khác của cơ thể.
Các vết trên da không
gây ngứa nhưng hơi đau khi đè ngón tay lên.
Loét trong miệng và cuống
họng gây đau, khiến cho bệnh nhân từ chối ăn, uống và có thể đưa tới thiếu nước
cơ thể.
Nói chung bệnh Chân Tay
Miệng không trầm trọng và hầu hết bình phục sau một tuần lễ.
Lây lan bệnh
Bệnh lây lan vừa phải từ
người qua người, do tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, nước miếng, nước từ các
bóng nước, khi bệnh nhân hắt hơi, nhảy mũi và trong phân người bệnh.
Những ngày đầu của bệnh
là thời gian lây lan mạnh nhất. Là bệnh nhiễm nhưng không phải ai nhiễm virus
cũng bị bệnh. Trẻ em dưới 10 tuổi thường hay bị bệnh hơn cả vì các em chưa có hệ
thống miễn dịch hoàn hảo.
Trẻ em sinh hoạt chung
với nhau ở nhà giữ trẻ, mầm non, trường học cũng là môi trường tốt cho bệnh lan
truyền từ em này sang em khác.
Chẩn đoán:
Chẩn đoán căn cứ trên
tuổi tác của bệnh nhân, các dấu hiệu của bệnh, khám miệng và quan sát các mụn
nước trên da.
Đôi khi, bác sĩ cũng
làm thử nghiệm kiếm tác nhân gây bệnh với mẫu phết cuống họng và phân người bệnh.
Trên thực tế, vì cần nhiều ngày mới có kết quả nên thử nghiệm ít khi được áp dụng.
Điều trị:
Bệnh Tay Chân Miệng thường
không cần điều trị vì đa số tự lành trong thời gian từ 7-10 ngày.
Bệnh không điều trị bằng
kháng sinh vì kháng sinh không công hiệu với virus.
Bệnh có thể chữa và
chăm sóc tại nhà với:
– Trẻ tham dự mẫu giáo,
mầm non bị bệnh nên để ở nhà để tránh lan bệnh cho trẻ khác
– Cho trẻ uống nhiều nước
lạnh để tránh khô nước. Có thể cho trẻ ăn kem, que nước đá có hương vị
(popsicles).
– Để tránh đau thêm cho
các vết lở ở miệng, không cho uống nước có chất chua hoặc cay, như nước cam hoặc
thức ăn cứng.
– Cho trẻ ăn uống đầy đủ
chất dinh dưỡng lỏng, tránh thực phẩm còn quá nóng.
– Giảm sốt và đau cơ thể
với thuốc chống đau acetaminophen (Tylenol, paracetamol) hoặc ibuprofen
(Advil).
– Không cho bé uống
aspirin vì thuốc này có thể gây ra hội chứng Reyes rất trầm trọng với tổn
thương hệ thần kinh.
– Nếu trẻ súc miệng được,
súc miệng với dung dịch nước muối (một thìa muối pha trong một ly nước ấm) để
giảm đau lở loét trong miệng.
– Thoa kem gây tê trên
vết thương ngoài da.
– Không làm vỡ bóng nước
để tránh nhiễm độc với các vi khuẩn khác. Bình thường, bóng nước tự khô lành
trong mươi ngày.
– Tránh tiếp xúc với chất
lỏng của mụn nước, có rất nhiều virus.
Phòng tránh
Hiện nay chưa có thuốc
chủng ngừa bệnh Chân Tay Miệng.
Ý kiến chung là bệnh
Chân, Tay, Miệng cũng hơi trở ngại trong việc phòng tránh vì đa số nguồn gây bệnh
không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, nếu giữ gìn được vệ sinh cá nhân thì
nguy cơ lây nhiễm bệnh giảm rất nhiều.
Sau đây là các điều cần
làm:
– Hướng dẫn mọi người
trong nhà nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi thay tã cho trẻ bị bệnh
vì virus có thể còn sống trong phân cả nhiều tuần lễ sau khi bệnh lành.
– Đừng để trẻ em chơi
chung đồ chơi với trẻ khác
– Không ôm hôn khi trẻ
đang bị bệnh.
– Hướng dẫn trẻ che mũi
miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng giấy lau rồi vất riêng.
– Mang bao tay cao su
khi thoa phấn, kem, chăm sóc thay tã cho trẻ.
– Tẩy rửa bàn ghế, sàn
nhà, vật dụng nhiễm virus với dung dịch nước pha với chất tẩy chlorine.
– Không dùng chung chén
bát, đũa thìa, khăn mặt với người bệnh.
– Trẻ em bị bệnh nên giữ
ở nhà. Gia đình nên thông báo với trường học, lớp mẫu giáo, mầm non về tình trạng
bệnh của con em.
– Trẻ bị bệnh chỉ nên
trở lại trường sau 2 tuần lễ hết dấu hiệu, triệu chứng.
Hy vọng là các dữ kiện
kể trên giúp ông và quý vị độc giả hiểu rõ về bệnh Chân-Tay-Miệng này.
Trở lại với trường hợp
của người nhà của ông, nếu cho tới hôm nay mà không thấy dấu hiệu trên da như kể
trên, thì tôi nghĩ là an toàn.
Chúc ông và gia đình
vui vẻ khỏe mạnh.