Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

LÒ MICROWAVE

Hỏi 

Kính thưa bác sĩ Nguyễn Ý Đức, con tên là Hằng ở Garland, hôm nay con có chuyện muốn hỏi về tác hại của microwave đối với sức khỏe. Người  thì nói hại, người nói không. Con cám ơn bác sĩ, kính chúc Bác thật nhiều sức khỏe.

– Hằng 

 

Đáp 

Cảm ơn cô đã nêu ra câu hỏi này vì cũng nhiều người thắc mắc về mức độ an toàn của lò vi sóng microwave oven. Dụng cụ nấu nướng này hiện nay đã quá phổ biến đối với mọi gia đình cũng như nhà hàng, tiệm ăn. Lò được dùng cho nhiều công việc nấu nướng, từ hâm thức ăn tới nấu cơm, luộc khoai, quay gà, làm bánh…

 

Những lợi ích của lò vi sóng:

 

– Tiết kiệm điện;

 

– Giảm thời gian nấu;

 

– Thực phẩm giữ được nhiều chất dinh dưỡng và hương vị nguyên thủy;

 

– Không cần pha thêm dầu, mỡ;

 

– Dễ lau chùi sạch sẽ;

 

– Không tạo ra hơi nóng trong bếp;

 

– Không dùng nhiều nước trong món ăn cho nên mất rất ít chất dinh dưỡng;

 

– Có thể nấu và ăn thực phẩm trong cùng đồ chứa;

 

Những nhược điểm của lò vi sóng:

 

– Phóng xạ có thể thoát ra ngoài;

 

– Không phải thực phẩm nào cũng nấu bằng lò vi ba được;

 

– Trong lò, sóng điện từ phân phối không đều, có chỗ nóng nhiều (chung quanh lò) chỗ ít nóng (giữa lò). Vì thế, ở giữa lò, thực phẩm lâu chín hơn ở cạnh lò. Vì vậy, khi nấu, nên xếp thực phẩm theo vòng tròn, phần thực phẩm to, dầy quay ra ngoài.

 

An toàn khi sử dụng:

 

– Không nấu khi cửa lò không đóng kín hoặc bị vênh.

 

– Không hâm nóng các đồ nấu bịt kín vì áp suất lên cao bình sẽ phát nổ.

 

– Không mở lò khi không có thực phẩm trong lò.

 

– Luôn luôn có nước hoặc thực phẩm ướt khi dùng lò, để tránh cho ống phát sóng của lò bị hư hao.

 

– Khi món ăn quá khô, có thể để một ly nước trong lò. Nước có mục đích hút năng lượng điện từ trường, tránh cho ống phát sóng bị cháy.

 

– Không chiên ngập mỡ (deep fries) trong lò vì chất béo sẽ nóng quá, gây cháy phỏng.

 

– Tránh mọi hư hao cho cửa lò như đè lên cửa hoặc nhấc lò lên bằng cánh cửa lò.

 

– Vài năm kiểm tra lò một lần, coi có bị thất thoát sóng ra ngoài.

 

– Lau chùi và giữ cửa lò sạch sẽ để cửa luôn luôn khép kín, tránh thất thoát sóng vi ba ra ngoài.

 

Lưu ý khi hâm sữa:

 

Xin nói thêm là lò vi ba cũng thường được dùng để hâm sữa cho trẻ em. Nhưng nên để ý mấy điều sau đây:

 

– Sự phân phối sức nóng trong lò vi ba không đồng đều, nên nhiều khi bên ngoài bình sữa thấy lạnh mà sữa trong bình lại nóng quá. Trước khi cho trẻ bú, đậy nắp, lắc ngược bình vài lần cho sữa nóng đều.

 

– Tháo núm bình sữa trước khi hâm, tránh phỏng miệng con vì núm cao su quá nóng.

 

– Hâm sữa bằng bình nhựa an toàn, trong suốt, không mầu. Tránh bình bằng thủy tinh vì có thể nứt.

 

– Trước khi cho con bú, thử vài giọt sữa trên mu bàn tay coi có nóng quá.

 

Một điểm cần lưu ý là Lò vi ba hiện nay rất an toàn cho người mang máy điều hòa nhịp tim (pacemaker) vì các y cụ này đều được che chở chống lại phóng xạ hoặc sóng vi ba.

 

Cô nên đọc kỹ bản tài liệu hướng dẫn cách dùng kèm theo lò trong đó họ có chỉ dẫn cách nấu nhiều món ăn rất tiện lợi.

 

Chúc cô làm được nhiều món ăn ngon bằng lò vi ba, để gia đình có những bữa ăn tuyệt vời.

 

 

Comments are closed