Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

UỐNG NƯỚC

Hỏi 

Tôi biết là nước cần thiết cho ta, nhưng lại hay quên, ngày có khi chỉ uống hai ba ly nước. Như vậy chắc là không đủ đâu bác sĩ nhỉ. Bác sĩ có cách nào để nhắc nhở không. Và nếu uống ít nước thì sẽ ra sao.

Tôi cám ơn bác sĩ.

– Lê Thủy (Sachse) 

 

Đáp

Thưa bà,

Cảm ơn bà đã nêu ra câu hỏi rất ư là thực tế này, vì cũng khá nhiều bà con đồng hương mình ý thức rằng cần phải uống nước đầy đủ, như lời khuyên của bạn bè hoặc các bác sĩ, nhưng lại cứ hay quên, ít uống. Thực ra chẳng phải chỉ người mình hay quên mà dân bản xứ cũng vậy. Vì thế cho nên hàng ngày các nhà dinh dưỡng vẫn thường phải nhắc nhở mọi người.

 

Sau đây chúng tôi xin gửi tới bà và độc giả tuần báo Trẻ mấy mẹo vặt để uống nước đầy đủ.

 

1-Luôn luôn kè kè bên mình một chai nước để khi uống, là có sẵn, khỏi phải mất công tìm kiếm.

 

2-Nếu hay quên và nếu có thể, mang một đồng hồ báo hiệu mỗi đầu giờ để nhắc nhở uống nước.

 

3-Nhỏ vài giọt nước chanh vào chai nước để có thêm chút hương vị thơm thơm, dễ uống.

 

4-Nhiều người thấy uống nước lạnh hấp dẫn hơn. Nếu không thích nước lạnh thì hâm hơi ấm một chút. Nước ấm có hương vị khác và có thể làm dịu cuống họng.

 

5-Có thể ăn một miếng bánh hơi mặn trước khi uống một ly nước. Vị mặn làm miệng khô khô, tăng cảm giác khát, cần nước.

 

6-Có thể ngậm đá cục để có nước, nhưng đừng nhai kẻo lại hư răng.

 

7-Mỗi lần đi qua một vòi nước máy trong sở làm, ghé miệng uống vài ngụm.

 

8-Nếu không thích hương vị của nước, có thể uống với một ống hút. Nước sẽ ít tiếp xúc với lưỡi và chạy thẳng xuống họng.

 

9-Cũng chẳng cần mua loại nước chai quá đắt, nhiều công ty sản xuất nước chai khuếch đại là nước máy không tốt. Lọc nước máy với đồ lọc là quá an toàn. Thường thường, chỉ cần nước chai khi tới các quốc gia đang trên đường phát triển.

 

10-Ăn nhiều rau, trái cây cũng chứa nhiều nước: chuối có 70% nước, táo 80%, cà chua, dưa hấu 90%, rau sà lách 95% nước.

 

Ngoài ra, cũng xin bà và độc giả lưu ý mấy điểm sau đây:

 

1-Trong khi uống nước là cần thiết, nhưng nếu uống quá nhu cầu hoặc quá sự chịu đựng của cơ thể lại là điều không tốt, đôi khi ngộ độc nước.

 

2-Bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp, phù nề bàn chân cần tránh uống quá nhiều nước.

 

3-Nếu có bệnh thận, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống thêm nước.

 

4-Không nên uống nhiều nước trong khi ăn. Nước sẽ làm loãng dung dịch acid, dịch vị và enzym trong dạ dày, gây ra chậm tiêu hóa.

 

5-Uống nhiều nước có thể khiến cho ta phải thức giấc nửa đêm để đi tiểu, gây ra gián đoạn cho giấc ngủ. Có thể tránh bằng cách giảm tiêu thụ nước mấy giờ trước khi đi ngủ và đi tiểu trước khi lên giường.

 

Còn e ngại mà bà nêu ra là liệu ít uống nước thì hậu quả ra sao, thì xin thưa rằng uống quá ít sẽ gây ra một số khó khăn cho sức khỏe như táo bón, ít tiểu tiện, da khô, dễ nhiễm trùng đường tiểu tiện, chóng mặt, mất định hướng và nếu uống quá ít có thể bị hôn mê.

 

Mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.5 lít nước là đủ. Số lượng này bao gồm nước lã, nước trong rau, trái cây và nước canh trong bữa cơm.

Chúc bà và gia đình vui mạnh.

 

 

Comments are closed