Nói
là “Thông Tim” thì cũng không chính xác lắm. Ðúng ra là thông Ðộng Mạch Vành nuôi
dưỡng trái tim thân yêu của chúng ta. Thay vì trơn tru mở rộng thì động mạch đã
bị thoái hóa, tắc nghẽn với nhiều chất khác nhau bám vào thành của huyết quản.
Ðộng
Mạch Vành (coronary artery) bao bọc trái tim như một cái vương miện với hai nhánh
phải và trái và nhận máu trực tiếp từ Ðộng Mạch Chủ (aorta). Tế bào tim được tiếp
tế oxy và chất dinh dưỡng từ động mạch vành. Nếu vì một lý do nào đó mà động mạch
này bị nghẹt thì sự nuôi dưỡng bị trở ngại, tim thiếu dưỡng khí, báo động bằng
cơn đau thắt ngực (angina).
Trong
đa số các trường hợp, tắc nghẽn là do chất béo bám vào mặt trong của thành động
mạch. Ðó là bệnh Vữa Xơ Ðộng Mạch.
Ngày
nay, nhiều người cứ nói vữa xơ là hậu quả của nếp sống dư thừa trong thời buổi văn
minh tiến bộ hiện đại. Thực ra dấu hiệu vữa xơ đã tìm thấy ở xác ướp bên Ai Cập
cả nhiều ngàn năm về trước.
Vữa
xơ động mạch (atherosclerosis) là bệnh trong đó các mảng gồm nhiều chất khác
nhau bám vào mặt trong thành động mạch khiến cho sự lưu thông của máu bị gián đoạn.
Thành phần chính của mảng này là chất béo, chất cholesterol cộng thêm các chất
phụ khác như calcium, tế bào xơ. Mảng xơ vữa có thể tan vỡ, đưa tới chứng huyết khối.
Vữa
xơ là một diễn tiến phức tạp, phát triển chậm, xuất hiện từ tuổi nhỏ và trầm trọng
lên với thời gian. Theo nhiều khoa học gia, bệnh bắt đầu với sự tổn thương ở lớp
tế bào trong cùng của động mạch.
Theo Hội Tim Mạch Hoa Kỳ, ba rủi ro đã được chứng
minh làm tổn thương lòng động mạch là:
–
1.Mức độ cholesterol và triglyceride trong máu lên quá cao;
-2.Cao
huyết áp;
-3.Ảnh
hưởng của hút thuốc lá.
Ngoài
ra vữa xơ còn hay xảy ra ở người béo phì, mắc bệnh tiểu đường, có nhiều căng thẳng
tâm thần và không vận động cơ thể.
Di
truyền cũng tham dự phần nhỏ. Nếu cả cha lẫn mẹ bị vữa xơ thì con có nhiều triển
vọng bị bệnh.
Cũng
còn phải kể tới tuổi tác và giới tính.
Người
dưới năm mươi tuổi ít vữa xơ hơn người trên tuổi này.
Trước
khi mãn kinh, phụ nữ ít bị vữa xơ hơn
nam giới nhờ sự bảo vệ của kích thích tố nữ, nhưng từ tuổi mãn kinh thì nam nữ bị vữa xơ bằng
nhau.
Vữa
xơ có thể thấy ở các động mạch cỡ trung và lớn. Nếu ở động mạch vành nuôi dưỡng
tim thì đưa tới thiếu máu cơ tim; động mạch cảnh nuôi dưỡng não bộ sẽ có tai biến
mạch máu não, động mạch nuôi dưỡng chi dưới với hoại tử chi; động mạch võng mạc
đưa tới khiếm thị, mù lòa…
Tắc
nghẽn thì phải kiếm cách thông, giống như thông ống cống nước từ bếp ra vườn.
Nhưng thông cống chỉ việc tống cây sào dài vào hoặc đổ nửa lít nước hóa chất là
xong. Còn mạch máu thì nằm ở xa lại mỏng manh, khó mà đạt tới. Cũng đã có nhiều dược phẩm để giải tỏa tắc nghẽn
nhưng công hiệu chậm. Cho nên nếu thông được như thông cống thì hay biết mấy.
Thế
là các nhà y khoa học lại vắt tay lên trán, tìm kiếm kỹ thuật, thuốc men.
Và mở đầu với sự tò mò , mạo hiểm của một sinh
viên nội trú y khoa người Ðức, anh Werner Frossmann.
Ðó
là vào năm 1929. Từ lâu, anh ta vẫn muốn tìm cách để thám hiểm trái tim mà không gây ra thương tổn
gì.
Sau
khi đã có một ý niệm, anh trình bầy với các vị thầy, các vị đàn anh về điều
anh định làm. Nhưng mọi người đều không
tin tưởng và cấm không cho anh thực hiện ý tưởng điên rồ đó trong bệnh viện.
Anh
bèn năn nỉ một nữ điều dưỡng viên cho mượn một ống thông. Anh đưa ống thông từ
mạch máu ở khuỷu tay của mình, luồn dần lên tim. Ðặt ống xong, anh lại năn nỉ một đồng nghiệp điện tuyến, chụp
cho một tấm hình X -Quang ngực. Và thấy đầu ống thông đã an toàn nằm ở tim mà
không gây ra khó khăn gì cho sức khỏe của mình.
Werner
hăm hở tường trình sự việc với ông thầy. Chẳng những không được khen mà còn bị
khiển trách, không cho thực tập ngành tim tại bệnh viện. Anh ta đành học về tiết
niệu và tiếp tục lén lút nghiên cứu, thọc thêm tới 15 lần nữa vào tim mạch của
mình. Nghiên cứu được anh công bố trong y giới, nhưng không ai để ý. Buồn tình,
anh về một tỉnh lẻ, hành nghề y, kiếm bạc cắc cho qua ngày.
Rồi một ngày đẹp trời của năm 1956,
Werner được mời ra nhận giải Nobel với
hai nhà Tim học Andreas Frderic Coumand và Dickinson W. Richards. Hai vị bác sĩ
này đã dựa trên kết quả các mạo hiểm trước
đây của Werner để tìm cách chữa tắc nghẽn động mạch. Năm 1941, hai ông đã thành
công trong việc dùng ống thông tim để đo
lưu lượng máu từ tim ra.
Các
nhà y khoa học tiếp tục nghiên cứu.
Tới
năm
1977 thì bác sĩ Andreas Gruentzig của Bệnh Viện Ðại Học Zurich, Thụy
Sĩ, là người đầu tiên thực hiện kỹ thuật thông mạch máu bằng bóng
(balloon)
ở người. Sau đó, bác sĩ Gruentzig sang định cư tại Hoa
Kỳ, tiếp tục tìm hiểu về bệnh tim và làm giầu trí thức cho quốc gia này.
Balloon làm bằng một loại plastic gọi là polyethylene terephthalate
(PET) rất bền
bỉ và thay đổi hình dạng dễ dàng
Ngày
3 tháng 8 năm 1994, cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ công nhận Balloon-Expandable
–Stent do bác sĩ Richards Schatz chế biến
để làm thông và mở rộng động mạch tim bị tắc nghẽn vì mỡ đóng lên.
Ngày
nay, cả triệu bệnh nhân nghẹt tim được thông bằng kỹ thuật này. Kỹ thuật rất phổ
thông, được mang ra dùng tại hầu hết các
quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Phương
pháp thông tim giản dị và dễ thực hiện hơn là giải phẫu bắc cầu (by-pass
surgery), nhưng một trở ngại là từ 30 –
50% bệnh nhân cần thông lại vì nghẹt mạch có thể tái diễn. Và một
phương tiện mới có tên là stent được
các nhà chuyên môn đặt để tránh sự tái tắc nghẹt này.
Xác định tắc nghẽn mạch máu.
Vữa
xơ động mạch được xác định bằng kỹ thuật chụp tim thông X-Quang (cardiac catheterization).
Ðây là một kỹ thuật rất hữu ích và khá chính xác để biết tình trạng tốt xấu của
hệ thống tuần hoàn.
Một
ống hướng dẫn bằng plastic mềm nhỏ được đưa vào mạch máu ở cánh tay hoặc ở bẹn.
Ống được đẩy dọc theo mạch máu để vào lòng trái tim hoặc động mạch nuôi
tim. Một loại hóa chất cản quang đặc biệt
được chuyền vào ống hướng dẫn. Chất này giúp ta nhìn rõ được tình trạng trong lòng
mạch máu hoặc các phòng trái tim qua máy
X-Quang.
Chụp
X-Quang mạch máu được áp dụng trong các trường hợp sau:
-Khi có dấu hiệu đau động mạch tim
như là cơn đau trước ngực;
-Ðau
không biết nguyên nhân ở ngực, cằm, cổ, cánh tay mà các thử nghiệm khác đều
không xác định được tại sao;
-Khi
có cơn đau mới xảy ra ở ngực;
-Không
có triệu chứng gì nhưng vài thử nghiệm khác cho là có thể bị bệnh tim mạch;
-Khi
sẽ có phẫu thuật không liên hệ tới tim mạch nhưng có thể có rủi ro bệnh tim
trong khi giải phẫu;
-Khi
sẽ có giải phẫu về van tim;
-Khi
đã có bệnh tim bẩm sinh;
-Khi
đang bị suy tim;
-Khi có chấn thương ngực hoặc
một bệnh tim nào đó.
Thông Tim-Ðặt Lưới
Khi tình
trạng vữa xơ động mạch tim không có kết
quả tốt với thay đổi nếp sống, dược phẩm, hoặc khi cơn đau tim càng ngày càng
trầm trọng thì bác sĩ có thể đề nghị làm thông tim- đặt lưới (angioplasty
balloon).
Trước khi thực hiện, bệnh nhân sẽ được khám tổng quát
và làm một số thử nghiệm như:
1-Chụp một phim x-Quang đen trắng của
lồng ngực.
Việc
này rất dễ thực hiện nhưng cho ta nhiều điều cần biết: hình dạng lớn nhỏ của trái
tim, của đại động mạch và tĩnh mạch phổi; tình trạng toàn hảo của hai lá phổi,
màng phổi và phế quản.
2-Làm
Ðiện Tâm Ðồ.
Mỗi làn trái tin đập một nhịp thì có những dòng
điện phát ra từ một số tế bào đặc biệt của trái tim. Luồng điện chạy khắp tim,
khiến tim co bóp. Ðiện tâm đồ ghi lại các sinh hoạt điện năng này.
Nhìn
hình tâm đồ, bác sĩ có thể chẩn đoán các rối loạn về nhịp đập của tim; cấu tạo bất
thường to nhỏ của tim, sự nuôi dưỡng của
tế bào tim với oxy; có tiền sử hoặc đang có cơn đau tim; theo dõi tình trạng
tim khi đang giải phẫu hoặc khi thông động mạch.
3-Thử
nghiệm máu để coi mức cao thấp của cholesterol lành HDL, cholesterol dữ LDL; của
các yếu tố giúp máu bớt loãng prothrombine, fibrinogen; các diêu tố tim CPK,
LDH, Troponin mà khi lên cao có thể là dấu hiệu của cơn đau tim…
Tới ngày thông tim thì được nhắn nhủ không ăn từ nửa đêm hôm trước, điều chỉnh liều
lượng hoặc ngưng một vài loại thuốc đang
dùng, nhất là thuốc loãng máu, thuốc tiểu đường.
Kỹ thuật sẽ được một bác sĩ chuyên
khoa tim có tu nghiệp thêm về phương pháp này thực hiện với sự tiếp tay của một
nhóm chuyên viên điều dưỡng và kỹ thuật. Kỹ thuật thường được làm ở một trung tâm y tế có đơn vị
tim mạch, để phòng hờ trường hợp cần cấp cứu giải phẫu tim.
Thông
tim thường thực hiện ở động mạch đùi, đôi khi động mạch cánh tay hoặc cổ tay. Bệnh
nhân không cần gây mê tổng quát mà chỉ một chút thuốc tê được chích vào háng để
giảm đau. Do đó ta tỉnh táo trong suốt thời gian phương pháp được thực hiện.
Một
vết cắt nhỏ trên da ở bẹn được rạch và một ống ngắn nhỏ được đẩy vào động mạch.
Qua ống này, một ống thông hướng đạo dài hơn, có thể uốn cong, được luồn vào trong. Dưới sự hướng dẫn của X- quang, ống
thông được đưa lên động mạch tim, nơi bị nghẹt.
Ống đi lên rất nhẹ nhàng, ta không cảm thấy đau gì, ngoại trừ một chút
thôn thốn ở bẹn mà thôi. Nếu đau thì cho bác sĩ hay ngay để họ đối phó.
Một
chút dung dịch mầu cản quang được bơm vào ống, tới động mạch vành để chụp hình
X quang, coi tắc nghẽn lớn nhỏ ra sao.
Rồi
một ống khác nhỏ hơn đầu có mang một bong bóng xẹp được chuyền vào trong ống hướng
đạo. Khi lên tới chỗ bị tắc nghẽn, thì bong bóng được bơm phồng lên. Lúc này máu
tới tim sẽ giảm chút ít và ta thấy hơi đau nhói nơi ngực. Bong bóng được bơm phồng
lên, xẹp xuống vài lần, sẽ đè vào nơi động mạch dính đầy chất béo, làm lòng động
mạch mở rộng. Xong nhiệm vụ, bóng được làm xẹp trở lại.
Công
hiệu của nong bóng không vĩnh viễn. Theo thống kê, có tới 1/3 bệnh nhân có thể
bị nghẹt trở lại trong vòng vài tháng.
Ðể
ngăn ngừa tái tắc nghẽn, một lưới gọi là
stent nhỏ xíu được phát minh. Lưới nằm trên ống hướng đạo bong bóng, được đưa tới
chỗ nghẹt. Bóng được bơm phồng, lưới mở ra và bám ép vào thành động mạch. Lưới
an toàn nằm đó suốt đời người như một cái
giá chống đỡ không cho động mạch nghẹt trở lại. Lưới làm bằng hợp kim không rỉ,
không hư hao, không di chuyển và không trở ngại khi ta đi qua máy rà kim loại ở
phi trường hoặc chup X-Quang cơ thể..
Ống
hướng dẫn được rút ra và phương pháp thông tim đặt lưới hoàn tất. Trước sau chỉ
mất vài giờ đồng hồ, đôi khi chỉ ba mươi phút dưới bàn tay điêu luyện của một
chuyên viên đặt ống giầu kinh nghiệm.
Thường
thường ta cần nằm lại nhà thương khoảng 24 giờ để bác sĩ theo dõi tình trạng sau giải phẫu.
Các
ống đều được rút ra. Vết cắt trên da nơi bẹn và động mạch được băng bó để tránh
chẩy máu, nhiễm trùng và để vết thương mau lành. Tim được tâm điện đồ theo dõi,
để phát hiện và phòng ngừa biến chứng. Nên nằm nghỉ, chân duỗi thẳng
Một vài thuốc chống huyết cục như aspirin, thuốc kháng tiểu cầu, thuốc an thần được bác sĩ
biên toa. Nên uống thuốc theo liều lượng, thời gian mà bác sĩ đã dặn.
Về
nhà, nên nghỉ ngơi, tránh làm việc quá nặng trong dăm ngày, uống nhiều nước để
loại chất mầu cản quang.
Ðể
ý các dấu hiệu bất thường như chẩy máu, nhiễm trùng sưng đỏ, đau nơi vết thương
ở bẹn, nhiệt độ cơ thể lên cao, trong người mệt mỏi, đau ngực, khó thở. Thông báo
cho bác sĩ ngay.
Vài
tuần sau, khi bác sĩ đồng ý, ta có thể đi
làm trở lại được.
Và
nhớ giữ ngày tái khám theo hẹn của bác sĩ.
Thế
là từ nay ta không còn đau ngực, không còn lo ngại cơn suy tim, tai biến não, tàn
phế cơ thể. Nhiều người thấy da dẻ hồng hào, mặt mũi tươi rói, sinh hoạt gia tăng,
yêu đời hơn.
Nhưng
nên lưu ý lành mạnh nếp sống, bỏ hút thuốc lá, ăn nhiều rau trái cây, bớt chất
béo bão hòa động vật, vận động cơ thể đều đặn, giảm cân nếu quá mập phì, chữa các
bệnh kinh niên như cao huyết áp, cao
cholesterol, bệnh tiểu đường.
Và
nhẹ nhàng sống trong niềm vui của Tâm Thân An Lạc với gia đình, thân hữu.
Bác
sĩ Nguyễn Ý Ðức
Texas–Hoa Kỳ.