Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Gai xương-Nghẹt mũi

 

Gai xương

Thưa Bác Sĩ.

Mới đây con thường hay bị đau ở xương bả vai.Con có đi chụp hình và Bác sĩ nói con bị gai ( calcium) ở chổ khớp xương nên mỗi khi cử động thì bị thốn và đau lắm.xin Bác Sĩ cho con biết nguyên nhân tại sao và cách điều trị hay là chỉ có mổ thôi ( con nghe nói là sau khi mổ nó có thể mọc lại nữa ).Xin cảm ơn Bác Sĩ ! Triều Giang

Trả lời

Gai cột sống là bệnh trong đó có sự phát triển không mong muốn của xương hoặc sụn đã bị thoái hóa.

Gai thường có ở xung quanh khớp xương và đĩa liên sống. Nhiều người than phiền bị gai cột sống và cho là gai gây ra đau lưng, đau cổ.

Thực ra, gai là do sự hóa già của xương và sụn và bản thân gai không gây đau. Đa số người trên 60 tuổi thường có những chồi xương này mà không biết và chỉ tình cờ tìm ra khi chụp hình X-quang cơ thể trong khi chẩn đoán một bệnh nào khác.

Tuy nhiên, 42% những trường hợp gai này một lúc nào đó có thể đưa tới đau cổ, lưng, lan ra tứ chi, yếu bàn tay bàn chân.

             Chữ Gai cũng không chính xác vì chồi xương trơn tru, dài vài mi li mét và là phần nhô ra của xươngNguyên nhân

Có ít nhất 3 nguyên nhân để giải thích sự hiện diện của gai:

1-Gai xương có thể là kết quả của việc xương tự tu bổ sau khi liên tục bị chấn thương như sức ép, va chạm, cọ xát. Thí dụ những người làm nghề khuân vác nặng, người quá kí tăng áp lực lên xương khớp, người có dáng đi đứng không ngay ngắn khiến cột sống xiêu vẹo.

2-Khi đĩa liên sống hư hao, xẹp xuống, dây chằng giữa các đốt sống sẽ chùng giãn, khớp chuyển động nhiều hơn. Phản ứng tự nhiên của cơ thể với sự chùng giãn này là làm cho dây chằng dầy lên để có sức giữ vững cột sống-Lâu ngày, calci sẽ tụ lại trên dây chằng và tạo ra các gai hoặc chồi xương. Dây chằng ở trong ống cột sống cũng có thể dày lên, ống thu hẹp, ép vào dây thần kinh và gây ra các dấu hiệu bệnh.

3- Gai là một phần của sự hóa già. Khi đĩa sụn và xương bị thoái hóa, hao mòn, mặt xương khớp gồ ghề và gai mọc ra. Đó là bệnh viêm xương khớp, thường thấy ở người tuổi cao.

Điều trị

Nếu gai không gây đau, không cần điều trị.

Bệnh nhân tìm tới bác sĩ khi các cơn đau và các khó khăn khi cử động khiến cho họ phải giới hạn các hoạt động bình thường và ảnh hưởng tới nếp sống.

Khi gai gây đau thì sự điều trị tập trung ở nguyên nhân gây ra gai, dấu hiệu bệnh hoặc sự hiện diện của gai.

-Với nguyên nhân, việc giảm cân để giảm sức nặng lên xương khớp là điều cần làm.

-Điều trị dấu hiệu đau gồm có nghỉ ngơi khi sưng viêm, chườm nước đá, uống thuốc chống viêm không có steroid như paracetamol, ibuprofen.

Trong trường hợp đau nhiều, bác sĩ có thể chích thuốc steroid tại chỗ để giảm viêm và đau của cơ bắp.

Thuốc viên steroid là thuốc chống viêm rất mạnh và rất công hiệu để trị viêm. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng không muốn nếu dùng không đúng cách và không có chỉ định của bác sĩ. Dùng lâu, steroid có thể đưa tới mục xương, cao huyết áp, giữ nước trong cơ thể.

Xin lưu ý là, hiện nay tại Việt Nam, có nhiều thuốc chống đau nhập cảng hoặc sản xuất tại chỗ gọi là đông dược mà lại có pha thêm steroid. Tác dụng chống viêm sẽ mau hơn nhưng tác dụng phụ có hại cũng rất nhiều. Bộ y tế Việt Nam đã nhiều lần báo động dân chúng về vấn đề này. 

-Gai cột sống có thể được cắt bỏ với vi phẫu thuật rất chính xác. Nhưng sau khi cắt, gai có thể mọc trở lại.

Cắt bỏ chỉ được dùng khi gai chèn ép vào hệ thần kinh, gây ra các dấu hiệu như tê chân tay, rối loạn đại tiểu tiện, đau lan tới tứ chi và ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt thường nhật

Châm cứu có thể làm giảm đau một phần nào ở phần mềm nhưng không có tác dụng vào tình trạng viêm sưng cũng như khi gai tác động lên rễ dây thần kinh não tủy.

 Vật lý trị liệu, thoa bóp, luyện tập xương khớp, thực hành yoga cũng giúp giảm ảnh hưởng của gai.

 

 

Nghẹt mũi

Tôi thường hay bị nghẹt mũi, nhất là khi thời tiết thay đổi. Xin bác sĩ chỉ cho cách nào để giảm nghẹt mũi trong khi chờ đợi đi bác sĩ. Cảm ơn rất nhiều. Lê thị Vân Anh

Thưa bà Vân Anh

Sau đây là  mấy phương thức làm giảm nghẹt mũi:

-Chườm khăn mặt nhúng nước ẩm nóng lên mặt nhiều lần trong ngày để giảm đau và sưng mắt, mặt, miệng.

-Uống nhiều nước để làm chất nhờn ở mũi loãng ra, dễ loại ra ngoài.

-Hít thở hơi nước nóng nhiều lần trong ngày, chẳng hạn xông hơi, ngồi trong phòng tắm với vòi hoa sen chẩy nước nóng bốc hơi để thông thoáng mũi và các xoang.

-Xịt rửa ổ mũi với nước pha muối vài lần trong ngày. Nước muối có công dụng rửa sạch hốc mũi và ống thông xoang với mũi. Khi rửa mũi, nên ngửa đầu về phía sau cho nước đi sâu vào hốc mũi.

Có thể dùng một dụng cụ bán tự do tại tiệm thuốc tây gọi là Neti pot. Xem kỹ cách sử dụng bình rửa mũi trước khi dùng. Ban đầu, có thể rửa mỗi ngày cho tới khi bệnh đã thuyên giảm thì vài ba lần mỗi tuần lễ.

-Ngủ với gối đầu cao để dễ thở, ngủ ngon.

Không hút thuốc lá, tránh nơi có khói thuốc lá.

-Chịu khó vận động cơ thể đều đặn mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh, nhiều dưỡng khí nuôi tế bào.

Bác sĩ có thể cho thuốc xịt  chống viêm nghẹt mũi hoặc thuốc xịt có chất steroid và viên thuốc chống đau như acetaminophen, Advil, Motrim.

Không nên dùng thuốc kháng histamin, để tránh chất nhờn bị khô và làm nghẹt mũi.

Thuốc xịt chống nghẹt decongestant dùng theo đúng hướng dẫn. Thuốc này làm mạch máu co hẹp, khiến lỗ mũi thông thoáng, không khí ra vào tự do. Nếu quá 3,4 ngày mà không thấy bớt nghẹt, nên cho bác sĩ hay để đổi thuốc, vì nếu dùng lâu, quen thuốc phải dùng liên tục mũi lại nghẹt nhiều hơn.

Kháng sinh ít khi được dùng ngọai trừ viêm gây ra do vi khuẩn và tái diễn nhiều lần. Nếu bác sĩ cho kháng sinh, phải uống đúng theo hướng dẫn, thường thường là từ 10-14 ngày. Xin lưu ý là khi ngưng thuốc quá sớm khi cảm thấy bớt, bệnh sẽ trở lại và khó chữa hơn.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

 

 

 

                                                             

Comments are closed