Nghễnh ngãng
Năm nay tôi đã 76 tuổi. Từ hơn 1 tháng nay, tôi
không nghe rõ và tôi đã lấy hẹn đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Trong
khi chờ đợi, xin bác sĩ cho biết qua về sự nghe cũng như nguyên nhân gây ra điếc.
Cảm ơn bác sĩ rất nhiều. Lê Duy Loan
Trả lời
Tai là bộ phận để nghe. Ngoài việc thu nhận âm
thanh, thính giác còn có vai trò quan trọng trong việc trao đổi tin tức hoặc
liên lạc giữa người với người cũng như giúp tâm hồn thư giãn khi nghe những lời
nói dịu hiền hoặc những điệu âm nhạc nhẹ nhàng, thoải mái.
Thính giác hiện diện thường xuyên, khi ngủ cũng như
thức. Một tiếng động nhẹ ban đêm cũng làm ta thức giấc. Một âm thanh xa vời
cũng lọt vào tai dù ta có tập trung vào công việc đang làm.
Nhiều người thường không để ý tới giá trị của thính
giác cho tới khi không nghe được nữa thì mới nhận ra rằng điếc là một tai họa.
Nạn nhân rơi vào tình trạng cô đơn, ngơ ngác không biết sự việc xảy ra ở chung
quanh. Có người bị trầm cảm, buồn phiền thấy mình như bị đặt ra ngoài sinh hoạt
gia đình, xã hội.
Nhưng cũng có người, bịt tai chẳng thèm nghe những
điều thị phi gossip, cho đỡ bận tâm. Hoặc
“điếc không sợ súng”, tỉnh bơ việc mình mình làm, chẳng cần để ý tới
công luận.
Sau đây là một số nguyên nhân:
1-Ðiếc có thể do thừa kế: Nếu cha hoặc mẹ bị điếc
thì con có nhiều rủi ro cũng bị điếc.
2-Suy yếu thính giác trước hoặc sau khi em bé sinh
ra vì sanh thiếu tháng, bé thiếu dưỡng khí, mẹ bị các bệnh giang mai, bệnh ban
đào (rubella) trong khi có thai hoặc do mẹ dùng thuốc độc hại cho tai trong thời
kỳ mang thai…
3-Bệnh nhiễm như viêm màng não, sởi, quai bị, viêm
tai trong mãn tính, nước vào tai trong
4-Do tác dụng độc của dược phẩm (kháng sinh
streptomycin, thuốc trị sốt định kỳ)…vào bộ phận nghe ở tai trong
5-Chấn thương não sọ hoặc tai
6-Xơ cứng xương tai là một rối loạn di truyền đưa tới
mất thính giác: Xương ở tai trong tăng sinh khiến cho xương bàn đạp dính vào cửa
sổ bầu dục và gây trở lại cho việc dẫn truyền âm thanh vào tai trong. Trường hợp
này có thể giải phẫu chữa được.
7-Ngồi trên phi cơ cũng có thể bị giảm thính giác tạm
thời. Đó là khi áp suất không khí ở tai giữa mất cân bằng, nhất là lúc máy bay
đáp xuống. Để tránh khó khăn này, nên mở rộng miệng và nuốt mạnh để mở ống
Eustache.
8-Người cao tuổi thường hay bị mất thính giác nhiều
hơn so với các tuổi khác. Trên 60 tuổi, cứ ba vị thì một vị nghễnh ngãng. Trên
75 tuổi thì quá nửa các cụ bị kém nghe.
Trong đại hội hàng năm họp ngày 17 tháng 2 năm 2007
của Hội American Association for the Advancement of Science tại San Francisco, tác
giả Streven Greenburg báo động rằng vào năm 2050 sẽ có khoảng 50 triệu người
cao tuổi ở Hoa Kỳ bị suy yếu thính giác. Lý do là tuổi thọ ngày càng cao dẫn tới
suy yếu dây thần kinh thính giác, tiếng động cơ khí trong môi trường cũng gia
tăng. Hơn nữa người cao tuổi cũng dùng nhiều thuốc hơn, và một số thuốc cũng
gây tác dụng xấu lên thính giác.
9-Nguyên nhân trầm trọng nhất là khi tai phải liên tục
nghe các âm thanh quá mạnh như tiếng súng lớn, nhạc quá ồn ào, làm việc trong
cơ xưởng nhiều máy móc phát âm.
10-Bít ống tai như khi ráy tai quá nhiều hoặc có dị
vật lọt vào tai.
Ngay từ khi mới sinh ra, trẻ em có thể đã bị điếc.
Do đó các em cần được xét nghiệm, đo khả năng nghe để tìm ra bệnh và điều trị.
Trẻ em bị điếc thường chậm biết nói, học hiểu, tiếp nhận kiến thức và gặp nhiều
khó khăn tại trường học, với bạn bè.
Để phòng tránh mất thính giác:
1-Khi tai bị nhiễm trùng, cần được điều trị tới nơi
tới chốn để tránh tổn thương tai rồi bị điếc.
2-Đừng cố lau chùi lỗ tai với vật sắc hoặc tăm quấn
bông gòn để tránh tổn thương ống tai và đẩy ráy xâu vào tai.
3-Tránh nơi có tiếng động quá to, che lỗ tai với nút
bịt tai (ear plug).
4-Khi màng nhĩ bị thủng, tránh để nước vào tai
trong. Khi bơi lội cần có nút bịt tai.
5-Khám bác sĩ ngay khi nghi là tai bị nghễnh ngãng,
nhiễm trùng tai hoặc ù tai.
6-Khi làm việc trong môi trường nhiều tiếng động,
nên đo thị giác theo định kỳ để sớm tìm ra khó nghe và áp dụng phương thức
phòng tránh điếc.
Theo cơ quan Y tế Thế giới, 50% điếc có thể phòng
tránh được qua chủng ngừa các bệnh gây điếc, sớm tìm ra nguyên nhân gây điếc và
điều trị bệnh.
Ðây là điều đáng mừng. Ðể bớt đi những hoạt cảnh
như:
“điếc hay ngóng, ngọng hay nói” hoặc:
“ông nói gà, bà nói vịt”.