Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Bệnh Parkinson

 

Bệnh Parkinson

Ông già tôi bị bệnh Parkinson trên 10 năm nay. Xin bác sĩ hướng dẫn cách điều trị và nhất là làm sao chăm sóc ông cụ. Cảm ơn bác sĩ. Vi Ninh

Trả lời

Parkinson còn gọi là bệnh Liệt rung là bệnh thoái hóa dần dần của hệ thần kinh trung ương, thường thấy ở lớp  người ngoài 50 tuổi, rất ít khi thấy ở tuổi trẻ. Nam giới bị bệnh nhiều hơn nữ giới một ít. Bệnh vừa mãn tính vừa tăng lên đều đều. Mãn tính vì bệnh kéo dài một thời gian lâu. Tăng đều đều có nghĩa là bệnh trở nên trầm trọng với thời gian. Parkinson là tên người diễn tả bệnh đầu tiên, bác sĩ James Parkinson.

Cho tới nay, bệnh Parkinson vẫn còn được coi như một bệnh mà nguyên nhân chưa được biết rõ nhưng y khoa học biết là  não bộ người bệnh không sản xuất được chất dopamine.

Các dấu hiệu của bệnh xuất hiện từ từ, không rõ rệt nên rất khó mà nhận ra và nhiều khi có thể nhần lẫn với các bệnh khác. Thường thường, người nhà hoặc bạn bè lại thấy một vài dấu hiệu sớm ở người bệnh, như nét mặt vô cảm, dáng đi cứng nhắc, run run bàn tay… Có người thấy cơ bắp cứng, đi lại không vững, mất thăng bằng; có người bắt đầu bằng run tay, dễ mệt mỏi, bước chân kéo lê, nét mặt thẫn thờ, nói khó khăn…Hầu hết các bắp thịt đều ở trong tình trạng căng cứng liên tục, gây khó khăn cho các hoạt động của cơ thể. Mặc dù căng  cứng nhưng các bắp thịt  không bị tổn thương và  vẫn sử dụng được khi tập luyện.

Nhiều người không làm được các động tác thường lệ như mặc quần áo, cài khuy cúc áo quần, cầm thìa, cầm bát ăn cơm, viết lách, cầm báo để đọc, gãi đầu…Ðang làm một động tác nào dó, người bệnh bất chợt trơ trơ bất động. Chẳng hạn như đang đi tự nhiên đứng khựng lại, đang nói chợt ngưng, há miệng ú ớ..

Hầu hết bệnh nhân ở trong tâm trạng trầm cảm, lo sợ, tự cô lập, hay quên, thay đổi tính tình, dễ dàng có cảm giác sợ sệt, không có sáng kiến…

Họ hay than phiền đau nhức các bắp thịt, táo bón, khó khăn tiểu tiện. Da thường bị viêm, nhờn, tróc, đặc biệt ở mũi, trán, mí mắt, lông mày…

Ðang ngồi mà đứng lên, họ th���y chóng mặt, muốn té vì huyết áp giảm. Họ rất hay bị té ngã vì mất thăng bằng cơ thể…

Bệnh Parkinson đưa đến nhiều trở ngại, khó khăn cho nếp sống của người bệnh.

Họ có khó khăn trong việc ăn uống, tắm rửa, vệ sinh.

Họ đi lại khó khăn, không diễn tả được ý nghĩ lời nói.

Tính tình thay đổi bất thường, đôi khi bướng bỉnh đập phá.

 Họ không tự sử dụng thuốc men vì uống nhiều loại khác nhau và nhiều lần trong ngày..

Và họ cần sự chăm sóc giúp đỡ.

Người chăm sóc hầu như có vai trò của nhiều nhà chuyên môn: hướng dẫn ăn uống, hướng dẫn dùng thuốc, hướng dẫn cách nói, vận động cơ thể, vệ sinh cá nhân….Ðây là việc làm cần sự hy sinh của người chăm sóc.

Ngoài ra, bệnh nhân cần giữ hẹn với bác sĩ để theo dõi bệnh tình, thay đổi thuốc; tham dự các chương trình vật lý trị liệu, duy trì các sinh hoạt xã hội…

Comments are closed