Thói Quen Tốt Xấu
Bản tánh của con người đều giống nhau, nhưng bởi nhiễm thói quen thành ra khác nhau”. Người mình vẫn thường nói “Nhân chi sơ, tính bản thiện”.
Thói quen mạnh “ăn sâu” khi hành động nhắc lại nhiều lần, khi cá nhân cảm thấy thích thú với hành động đó. Ngược lại khi quyết tâm loại bỏ thì thói quen sẽ giảm dần hoặc mất đi.
Thói quen rất dễ lây lan, bắt chước. Mignon McLaughin đã ví “Trong gia đình, thói quen lan nhanh hơn là bệnh sởi”.
Thói quen có thể tốt hoặc xấu.
Xấu như tập tành bắt chước hút thuốc lá đến nỗi ho xù xụ, khò khè hen suyễn rồi ung thư phổi.
Sáng sớm vừa mới tới sở là đã lấm lét thầm thì gossip nói xấu, kể lể chuyện riêng tư người khác.
Hơi một tý là gắt gỏng với con.
Nhiệm vụ phải hoàn tất mà cứ chần chừ trì hoãn, gây ra thiệt hại.
Cứ ra tới chợ là phải sà vào hàng bún ốc làm một tô đầy mới an tâm đi mua bán…
Thói quen tốt cũng nhiều và rất đáng khuyến khích tạo ra nhiều hơn.
“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Ăn ba phần đói, bẩy phần no” là thói quen tốt để tránh mập phì.
Trước khi băng qua đường, có thói quen nhìn phải trái để tránh xe đụng.
Trong việc dinh dưỡng, ngủ nghỉ có thói quen điều hòa, vừa phải.
Các cụ ta vẫn thường nói “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”. Nhưng với thói quen, nếu xấu, nếu ảnh hưởng tới nếp sống, tới giao tế xã hội, tới sức khỏe thì cũng nên thay đổi, loại bỏ càng sớm càng tốt.
Vì theo Samuel Johnson “Mới đầu, những mắt xích của thói quen quá nhỏ để nhận ra, cho tới khi chúng quá lớn thì khó mà tháo gỡ”.
Ngạn ngữ Tây Ban Nha có câu: “Thói quen ban đầu là mạng nhện, sau là dây cáp”
Somerst Maugham đã có kinh nghiệm rằng: “Điều bất hạnh ở cõi đời này là chúng ta từ bỏ thói quen tốt dễ dàng hơn là loại bỏ thói quen xấu”.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức