Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Thói Quen Tốt Xấu

Thói Quen Tt Xấu

Tác giả Lê Ngọc Trụ định nghĩa “thói quen” là “Việc làm thường thành tật, bắt buộc làm hoài”.

Nguyễn Như Ý trong Đại Từ Điển Tiếng Việt giải thích Thói quen rõ ràng hơn như sau: “Lối, cách sống hay hành động do lặp lại lâu ngày trở thành nếp, rất khó thay đổi”.

Theo nhà Tâm lý học John F. Tristany: “Thói quen là một loạt những hành vi thâm căn cố đế do học hỏi mà có và được liên tục củng cố bởi các yếu tố môi trường, cảm xúc và tâm lý. Nó dựa trên nguyên tắc khoái lạc của con người là chỉ muốn có niềm vui và tuyệt đối tránh khó khăn, đau khổ”.

Bản tánh của con người đều giống nhau, nhưng vì nhiễm thói quen thành ra khác nhau”. Người mình vẫn thường nói “Nhân chi sơ, tính bản thiện”.

Thói quen mạnh “ăn sâu” khi hành động nhắc lại nhiều lần, khi cá nhân cảm thấy thích thú với hành động đó. Ngược lại khi quyết tâm loại bỏ thì thói quen sẽ giảm dần hoặc mất đi.

Thói quen rất dễ lây lan, bắt chước. Mignon McLaughin đã ví “Trong gia đình, thói quen lan nhanh hơn là bệnh sởi”.

Thói quen có thể tốt hoặc xấu.

Xấu như tập tành bắt chước hút thuốc lá đến nỗi ho xù xụ, khò khè hen suyễn rồi ung thư phổi.

Sáng sớm vừa mới tới sở là đã lấm lét thầm thì gossip nói xấu, kể lể chuyện riêng tư người khác.

Hơi một tý là gắt gỏng với con.

Nhiệm vụ phải hoàn tất mà cứ chần chừ trì hoãn, gây ra thiệt hại.

Cứ ra tới chợ là phải sà vào hàng bún ốc làm một tô đầy mới an tâm đi mua bán…

Thói quen tốt cũng nhiều và rất đáng khuyến khích tạo ra nhiều hơn.

“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Ăn ba phần đói, bẩy phần no” là thói quen tốt để tránh mập phì.

Trước khi băng qua đường, có thói quen nhìn phải trái để tránh xe đụng.

Trong việc dinh dưỡng, ngủ nghỉ có thói quen điều hòa, vừa phải.

Các cụ ta vẫn thường nói “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”. Nhưng với thói quen, nếu xấu, nếu ảnh hưởng tới nếp sống, tới giao tế xã hội, tới sức khỏe thì cũng nên thay đổi, loại bỏ càng sớm càng tốt.

Vì theo Samuel Johnson “Mới đầu, những mắt xích của thói quen quá nhỏ để nhận ra, cho tới khi chúng quá lớn thì khó mà tháo gỡ”.

Ngạn ngữ Tây Ban Nha có câu: “Thói quen ban đầu là mạng nhện, sau là dây cáp”

Somerst Maugham đã có kinh nghiệm rằng: “Điều bất hạnh ở cõi đời này là chúng ta từ bỏ thói quen tốt dễ dàng hơn là loại bỏ thói quen xấu”.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

 

Comments are closed